Trung Quốc ‘dọn đường’ khuyến khích người dân đẻ thêm con

Ngoài việc chỉ đơn giản là điều tiết số lượng trẻ sơ sinh, nhà nước còn đang “chuyển trọng tâm sang việc cung cấp các dịch vụ và những hỗ trợ có liên quan, đồng thời giải quyết những khó khăn cụ thể mà mọi người gặp phải khi có kế hoạch sinh con”.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã xoá bỏ chính sách một con và đang ngày càng khuyến khích các gia đình sinh 2-3 con.

Tuy nhiên, các gia đình trẻ lại đang có những hướng đi khác: Hầu hết nói rằng họ dự định chỉ sinh 1 con và ngày càng nhiều người cho biết họ hoàn toàn không có kế hoạch sinh con. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2021.

Khi dân số đất nước ngày càng già đi, nhiều người lo sợ Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia của những người nghỉ hưu. Các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng khuyến khích người dân sinh thêm con bằng các hành động như: giảm thuế, tăng thời gian nghỉ việc có lương. Nhưng nhiều gia đình trẻ nói rằng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ vẫn còn quá cao.

Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách cũng đang lắng nghe nỗi niềm này. Hôm 16/8, 17 cơ quan của nước này đồng loạt công bố các biện pháp mới nhằm khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Cụ thể, các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề từ việc trông trẻ cho đến phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Thông báo này cũng đề cập đến việc giảm bớt "những ca phá thai không cần thiết về mặt y tế" - một động thái khiến những người ủng hộ quyền phá thai lo lắng.

Tổ chức do Ủy ban Y tế quốc gia và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia dẫn đầu, cho biết các hướng dẫn này sẽ hỗ trợ người dân trong toàn bộ chu trình phát triển của một gia đình - bắt đầu từ khi “kết hôn và sinh đẻ cho đến chăm sóc và giáo dục trẻ em”.

“Hướng dẫn này cho thấy trọng tâm trong chính sách sinh đẻ của Trung Quốc đã chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ”, Ren Yuan - giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số của Đại học Fudan, Thượng Hải, nhận xét. Ngoài việc chỉ đơn giản là điều tiết số lượng trẻ sơ sinh, nhà nước còn đang “chuyển trọng tâm sang việc cung cấp các dịch vụ và những hỗ trợ có liên quan, đồng thời giải quyết những khó khăn cụ thể mà mọi người gặp phải khi có kế hoạch sinh con”, giáo sư Ren nói thêm.

Deng Shuang, một bà mẹ có con 6 tuổi sống ở Thượng Hải, đã cân nhắc việc sinh con thứ 2 khi con trai cô vào mẫu giáo cách đây 3 năm. Nhưng sau đó cô đã đổi ý vì không muốn “trải qua giai đoạn khó khăn và một sự thay đổi lớn trong cuộc sống một lần nữa”.

Bà nội trợ này hiện sống trong một căn hộ rộng 90m2 cùng chồng và con trai ở ngoại ô Thượng Hải. "Chúng tôi sẽ cần một căn hộ lớn hơn nếu chúng tôi có thêm đứa con thứ 2, không chỉ để cho đứa bé mà còn để bố mẹ chồng tôi sống cùng để hỗ trợ chăm sóc em bé". Cô nói thêm: “Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm áp lực tài chính lên chồng tôi, người kiếm tiền duy nhất trong gia đình.

Tôi sẽ sinh con thứ 2 nếu các chi phí giảm xuống. Tôi nghĩ rằng tất cả phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của những kế hoạch này khi đi vào thực tiễn”, chị Deng nói.

Bà mẹ 36 tuổi này không tìm việc làm sau khi sinh con trai vì việc trông trẻ và việc nhà chiếm hết thời gian của cô. Mặc dù Deng có nhiều thời gian hơn sau khi con trai đi học mẫu giáo, nhưng cô vẫn không thể kiếm được việc làm toàn thời gian vì các trường mẫu giáo kết thúc vào khoảng 4 giờ chiều, quá sớm để hầu hết người lao động hoàn thành công việc của họ.

Yan Li, một bác sĩ ở ngoại ô Thượng Hải, đã trở lại làm việc ngay sau khi đứa con đầu lòng chào đời. Bây giờ cô là mẹ của một đứa 6 tuổi và một đứa 2 tuổi. Yan sống chung với bố mẹ chồng, 2 con trai và chồng trong một căn hộ rộng 100m2. Để có thời gian đi làm, cô phải nhờ bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ hỗ trợ chăm sóc con cái.

Vợ chồng Yan đã mua căn hộ thứ 2 vào năm ngoái, tăng gấp 3 lần số tiền phải trả hàng tháng.

“Tôi không bao giờ hối hận về quyết định sinh con thứ 2 vì tôi yêu các con, nhưng chúng tôi chắc chắn phải chịu nhiều áp lực hơn”, cô nói. 

“Sự thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc trẻ trong hệ thống dịch vụ công đã làm tăng gánh nặng cho người dân Trung Quốc. Chi phí chăm sóc trẻ tăng cao cũng hạn chế hành vi sinh đẻ của người dân”, giáo sư Ren Yuan viết trong một bài báo hồi tháng 3 năm nay.

Theo Sixth Tone