Thương yêu con đừng làm khổ con
Nhưng, sinh con ra mà không thương yêu con thì chắc là người đó có vấn đề tâm lý khá nặng, kiểu như bị quỷ dữ giam giữ bản năng linh thiêng làm cha mẹ. Vì ngay cả loài động vật được cho là cấp thấp cũng hết lòng thương yêu và bảo vệ con mình.
Khi không có tình thương yêu với ai đó thì ta sẽ rất dễ làm tổn thương họ, nếu như ta phải làm điều gì đó lớn lao cho họ hoặc bị họ gây tổn hại đến ta.
Nhưng, ngay cả khi ta có tình thương yêu rất lớn với ai đó, thì cũng rất khó tránh khỏi việc ta làm tổn thương họ. Bởi khi thương yêu là ta mang luôn cả toàn bộ con người của ta theo.
Mà trong mỗi con người chưa hoàn thiện luôn tồn đọng nhiều cố tật và khó khăn, nên hành trình thương yêu nhau càng dài, gắn bó nhau càng sâu, thì càng có nhiều nguy cơ đổ rác rến lên nhau.
Cha mẹ thương yêu con luôn được xem là thứ tình yêu thương cao quý, có khi được ca tụng là thứ linh thiêng, như “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” (ca khúc Lòng mẹ của Y Vân), hoặc “Tình cha ấm áp như vầng thái dương” (ca khúc Tình cha của Ngọc Sơn)...
Đó không phải là những lời ngợi ca quá đáng, không có trong đời thực, nhưng đó không phải là tất cả. Cha mẹ nào cũng sẽ có những giây phút thần thánh, phát huy hết công năng của một đấng sinh thành, và đó thường là những lúc cha mẹ đang có nhiều bình an và hạnh phúc, không bị áp lực đời sống bủa vây hay không bị cái tôi lừng lẫy lấn át luôn vai trò làm cha mẹ.
Nhưng cha mẹ nào cũng là con người, cũng có những lúc lạc mất mình, không nắm giữ được cái kênh rộng lớn và cao thượng mà đất trời ban tặng để nâng đỡ và dìu dắt con.
Cha mẹ thời xưa làm tổn thương con phần lớn là do những định kiến sai lầm trong việc phân lập thứ bậc, nên tự cho mình cái quyền quá lớn để bạo hành hay bắt ép con cái luôn làm theo ý mình, phục vụ cho sĩ diện của mình.
Cha mẹ thời nay làm tổn thương con phần lớn là do định kiến sai lầm về cái gọi là thành công, nên thúc ép con cái lao như điên tới những đỉnh cao mà không quan tâm đến nỗi khổ tâm hay ước mơ thầm kín của chúng, và cả những năng lượng tiêu cực không ngừng toả ra từ đời sống quá căng thẳng của cha mẹ.
Nói chung, con cái thời nào cũng đều thương yêu và khổ đau vì cha mẹ. Nhưng con cái thời xưa có lẽ vì có sức chịu đựng tốt, lại được dưỡng nuôi trong bầu khí quyển đầy ắp tình người, trong đó có hiếu kính cha mẹ, nên không dễ bị tổn thương và oán ghét cha mẹ như con cái thời nay.
Vậy đó. Làm cha mẹ tuy đón nhận thật nhiều hạnh phúc lớn lao mà không phải ai có mặt trên đời này cũng đều có được, nhưng cái giá phải trả cho diễm phúc ấy cũng thật đắt.
Cha mẹ vừa phải hi sinh phần đời mình để dồn hết nhựa sống cho hành trình khôn lớn của con, vừa phải không ngừng điều chỉnh lối ứng xử sao để không gây ra bất cứ tổn thương nào cho con.
Bởi con cái ở tuổi chưa có cái nhìn thấu đáo thì chúng thường chỉ chăm chăm vào những khó khăn mà quên đi những điều tốt đẹp mà người lớn đã làm cho chúng.
Cha mẹ hồi còn nhỏ cũng y vậy thôi. Phải đến khi bước vào vai trò làm cha mẹ thật sự mới hiểu hết tâm tình của những người dẫn đường “bất đắt dĩ” vì chưa trang bị đủ kinh nghiệm bao giờ.
Có những đứa trẻ có cái nhìn rộng rãi, thấy cha mẹ thương yêu và hy sinh cho mình nhiều quá, nên chúng sẽ cố gắng lờ đi những điều tồi tệ mà cha mẹ chúng đã vô tình mang đến.
Cũng có những đứa trẻ vì thiếu năng lực phản kháng, nên tuy bức xúc với cách thương yêu đầy sự thao túng quyền hành của cha mẹ, nhưng chúng cũng chỉ biết chất chứa trong lòng và luôn mơ đến ngày được thoát ly gia đình để tìm lại chính mình.
Cha mẹ nào mà nghe con mình thở than rằng, tuy con rất biết ơn cha mẹ nhưng con không muốn tiếp tục ở bên cha mẹ nữa thì cũng đủ tủi buồn lắm rồi; huống hồ khi nghe chúng hét lên, con ghét cha mẹ lắm vì cha mẹ đã cướp mất tuổi thơ của con để phục vụ cho niềm hãnh diện hay nỗi lo sợ của cha mẹ. Cảm giác như con mình muốn phụ bạc mình, muốn rũ bỏ một liên hệ tình thâm.
Nhận ra sự thật này, các bậc cha mẹ hãy mau mau quay về sửa mình để tái thiết lập liên hệ tình cảm với con cái. Đã qua rồi cái thời cha mẹ lúc nào cũng đúng, hay nếu có sai thì cũng không thể nhận lỗi trước con để tránh bị chúng coi thường.
Giờ là cái thời mà bọn trẻ thấy sao nói vậy, chúng cảm nhận giá trị người lớn qua những gì họ làm chứ không phải qua các bài giảng luân lý, chúng sẵn sàng phản kháng với những gì chúng cho là sai trái hay tổn hại đến chúng.
Mà nếu cha mẹ không lớn theo kịp, không vượt qua nổi những giới hạn của mình, không dám hạ cái tôi xuống để gần hơn với con… thì sẽ sớm mất con thôi. Những đứa trẻ thời nay không còn sợ hãi trước những bản án như “đồ bất hiếu”, “kẻ vô ơn”… hay bất cứ nhãn hiệu nào mà người lớn và xã hội muốn qui chụp.
Răn đe, hù doạ, phán xét… sẽ làm xa cách nhau hơn; chỉ có thấu hiểu, chấp nhận, nâng đỡ… mới gắn kết nhau hoài mãi.
Tối nay, sau phút giây tĩnh lặng, cha mẹ hãy đến bên con khẽ hỏi, “Con ơi, dù cha mẹ rất thương yêu con, có thể nói là thương yêu nhất trên đời, nhưng khó tránh khỏi có những lúc làm con đau buồn hay thất vọng.
Vậy con có thể nói cho cha mẹ biết về những khó khăn hay thương tổn mà con phải gánh chịu, và cha mẹ có thể làm gì để giúp con không?”. Nói ra được điều này, tức là cha mẹ đang sống trong cái kênh thương yêu - một thứ tình thương đẹp đẽ và rộng lớn.
Bởi trong tình thương ấy không có bóng dáng của sự tự ái hay sĩ diện, mà chỉ có sự chân thật và dịu dàng - vốn là chất liệu chữa lành mà con đang cần nhất. Nói ra được điều này, cũng có nghĩa là cha mẹ không tiếp tục đề cao bản thân theo kiểu tượng đài không tì vết, không mải mê tự ca tụng mình chỉ là những gì tốt đẹp đến cao siêu.
Hãy để con cái cảm nhận tình thương yêu chân thật của cha mẹ qua cảm xúc đến từ trái tim, và qua sự nỗ lực sửa mình không ngừng của cha mẹ. Để từ đó, chúng tin rằng tình thương yêu cao đẹp hay rất ít điều kiện là thứ có thật trên đời – chúng đã từng được đón nhận và khao khát trao truyền cho thế hệ mai sau.
Con cái mang cha mẹ đi về tương lai cũng chính là ý nghĩa như vậy đó./.