Tết có mai đào, bánh chưng ở trời Tây của gia đình Việt
Đón giao thừa giữa trời Tây
Một cái Tết ấm áp lại vừa trôi qua với gia đình anh Lê Văn Vinh (53 tuổi) ở giữa xứ lạnh Anh quốc. Mỗi dịp Tết, anh lại có thời gian lật mở ký ức Tết xưa sau hơn 30 năm xa quê.
Anh Vinh nhớ những ngày còn thiếu thốn, đám trẻ nghèo như anh luôn trông ngóng Tết. Bởi, chỉ dịp Tết, trẻ con mới được ăn mấy món ngon như bánh chưng, thịt đông, mứt…
Cái Tết gần nhất anh Vinh về Việt Nam đã cách đây 3 năm. Mùa hè 2022, sau khi dịch bệnh tạm ổn, anh Vinh tranh thủ về thăm quê nên Tết này đành lỗi hẹn.
Sống giữa trời Tây, anh Vinh lại chú trọng tết Nguyên đán hơn là tết Dương lịch. Để có Tết trọn vẹn, anh thường chuẩn bị hoa đào hoa mai, cây mơ, cây quất… và nhiều món ăn đặc trưng.
Những năm đầu, anh Vinh gặp nhiều khó khăn khi trồng mai đào, cây quất… ở vùng thời tiết lạnh giá. Thế nhưng, sau nhiều lần rút kinh nghiệm, ông bố Việt trồng thành công và ép các loại cây này ra hoa đúng dịp Tết.
Anh còn mạnh dạn chia sẻ các trải nghiệm và cách trồng mai, đào ở xứ lạnh trên kênh YouTube. Nhiều người Việt xa quê rất hứng thú và học hỏi kinh nghiệm từ anh.
Ngoài hoa trái, anh Vinh còn chuẩn bị những món ăn ngày Tết như: giò chả, bánh chưng, thịt đông, muối dưa hành… Hơn 10 món ngon được bày biện đầy đủ trên mâm cỗ cúng Tết.
Anh Vinh chia sẻ: “Tết ở trời Tây khác Việt Nam một chút. Do phải mưu sinh nên cộng đồng người Việt chỉ hẹn nhau vào ngày nghỉ để cùng ăn Tết, chứ không vui Tết đúng như truyền thống.
Khoảng thời gian quây quần bên nhau, chúng tôi đều cố gắng chia sẻ văn hóa ngày Tết cho thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài”.
Bên cạnh việc ăn Tết chung cùng cộng đồng người Việt, anh Vinh cố gắng giữ đúng phong tục, nét đẹp ngày Tết trong gia đình. Anh thực hiện đầy đủ các thủ tục cúng bái: ông Công ông Táo, giao thừa, mùng 1, mùng 2, mùng 3…
Ban thờ đêm giao thừa giữa trời Tây của anh Vinh có đủ mâm ngũ quả, gà luộc, hơn 10 món ngon truyền thống. Nén hương thơm dâng lên tổ tiên, ngưỡng vọng về quê hương khiến kẻ xa quê ấm lòng.
Tết ở đâu cũng không bằng về nhà
Mấy chục năm trước, công nghệ thông tin chưa phát triển, mỗi dịp Tết anh Vinh đều viết thư tay hỏi thăm bố mẹ. Lúc này, ẩm thực Việt chưa phổ biến nên gia đình anh đành dùng tạm vài món ăn của các nước.
Hiện tại, việc ăn Tết của người Việt ở nước ngoài cũng dễ dàng hơn. Công nghệ thông tin kết nối rộng khắp, người xa quê có nhiều thời gian trò chuyện cùng người thân, nhất là vào dịp Tết.
Việt Nam hội nhập mang đến cơ hội cho người Việt sống ở nước ngoài tiếp cận được các sản phẩm quê hương. Trong đó, các loại hàng hóa phục vụ Tết cổ truyền được Việt kiều đón nhận rất nồng nhiệt. Mùa Tết, các siêu thị người Việt bán đủ loại bánh mứt, giò chả, bánh chưng, đào, quất…
“Những Việt kiều không có thời gian chuẩn bị Tết thì dễ dàng hòa vào không khí Tết cổ truyền bằng cách mua sắm. Riêng tôi lại thích tự tay chuẩn bị cây trái, mâm cỗ dâng lên tổ tiên. Thế nên, ngoài thời gian đi làm, tôi thường tận dụng buổi sáng và tối để làm mứt, muối dưa hành…”, anh Vinh cho biết.
Hàng năm, con cháu của anh Vinh đang sống ở Anh đều quây quần gói bánh chưng, làm giò chả, nấu xôi, làm măng khô, muối dưa chua… Anh Vinh còn chuẩn bị áo dài Tết cho mình và các thành viên trong gia đình.
Ngày đầu năm mới, ông bố Việt mặc áo dài lì xì cho các con, cháu nhỏ. Các bé nhận lì xì đều tròn xoe mắt ngạc nhiên, hỏi tại sao lại được nhận tiền. Sau khi nghe giải thích về phong tục ngày Tết, các bé rất vui sướng.
Trong không khí Tết rộn ràng trên quê hương, người Việt xa xứ nôn nao muốn về đoàn viên cùng bố mẹ, người thân.
“Dù sống ở bất cứ quốc gia nào, Việt Nam vẫn là nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên. Chúng tôi dễ dàng có Tết nơi xứ người nhưng không khí Tết thực sự chỉ trọn vẹn khi được về quê hương”, anh Vinh tâm sự.
Ảnh: Nhân vật cung cấp