Quà Tết của học trò nghèo khiến cô giáo rơi nước mắt

Sáng cuối năm, em dúi vào tay tôi một bọc to gói bằng lá rồi nói: “Mai cô về, em có ít cá biếu cô”. Đưa cho tôi xong em đỏ mặt cúi xuống.

Chiều nay, mấy ông bà trong Hội người cao tuổi của thôn đến nhà tôi họp bàn, chuẩn bị cho lễ mừng thọ đầu năm. Đang ngồi họp, tôi nghe có người hỏi thăm vào nhà mình. Bước ra, tôi thấy một cậu bộ đội trẻ măng, trên tay cầm một hộp giấy.

Trông thấy tôi, cậu chào và hỏi: "Cô ơi, cô là cô giáo Liên đúng không ạ?"

"Đúng rồi, có việc gì mà cậu tìm tôi vậy?", tôi trả lời rồi mời cậu ta vào nhà. Chàng trai cầm hộp giấy, hai tay nâng lên trịnh trọng trao cho tôi và nói: "Thủ trưởng con năm nay ở lại trực Tết, không về được, nhờ con mang quà tặng cô nhân dịp năm mới". Tôi bóc quà, là một cành san hô.

Thấy cành san hô lạ, mọi người cầm xem, ngắm nghía, ai cũng khen đẹp. Tôi mời mọi người uống nước rồi kể cho họ nghe về cậu học trò - người gửi tặng tôi món quà này. Những ký ức lại ùa về, hiển hiện trước mắt tôi.

Ảnh minh họa: Pexels

Tôi vẫn nhớ như in khoảng thời gian đó. Tôi được phân công dạy cấp 1 ở một xã đầu huyện. Do nhà xa, tôi ở lại khu tập thể của trường, thi thoảng mới về nhà lấy ít gạo, thực phẩm…

Lớp tôi phụ trách có hơn 30 học sinh nhưng hôm nào cũng có vài em nghỉ không lý do.

Ngoài những buổi lên lớp, khi có thời gian rảnh rỗi, tôi đi thăm và tìm hiểu về hoàn cảnh cụ thể của từng em. Qua đó tôi biết trong lớp có nhiều em hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, nhà em Tài có hoàn cảnh éo le nhất.

Bố Tài bỏ đi, ở nhà có 4 mẹ con, Tài là con cả. Mẹ ốm đau thường xuyên nên mỗi ngày ngoài những giờ học, Tài đi bắt cua hoặc cùng mẹ đi tát giòn, kiếm con cua, con cá bán lấy tiền đong gạo.

Những hôm Tài nghỉ học là do mẹ ốm, không đi chợ bán cá được, hoặc có chỗ tát giòn mà mình mẹ không làm nổi nên em phải làm thay mẹ… Vì nếu em đi học thì đồng nghĩa hôm đó nhà em không có gạo nấu.

Biết được hoàn cảnh của em, tôi thường xuyên quan tâm, giảng lại kiến thức những bài em nghỉ học, thi thoảng cho em quyển vở, cây bút… Tôi thấy em rất sáng dạ, dù nghỉ học nhiều nhưng bài tập tôi chỉ gợi ý qua, hay hướng dẫn 1 lần là em làm được ngay.

Thời gian thấm thoắt trôi đi, trong đợt thi học kỳ I, môn nào cũng em đạt điểm cao. Sơ kết học kỳ xong, các em học thêm ít bữa rồi nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng mấy ngày gần Tết, Tài hay nghỉ học. Tôi đến nhà em mấy lần đều thấy đóng cửa.

Sáng hôm đó, tôi đang sắp xếp đồ đạc, định xong việc sẽ đến nhà em một lần nữa rồi về quê thì thấy 2 mẹ con Tài bước vào.

Em dúi vào tay tôi một bọc to gói bằng lá rồi nói: “Mai cô về, em có ít cá biếu cô”. Đưa cho tôi xong em đỏ mặt cúi xuống. Lúc này mẹ Tài mới cất lời: "Thưa cô, mấy hôm nay cháu có lỗi đã nghỉ học, cô đến nhà không gặp vì hai mẹ con tôi đi tát giòn. Cháu bảo cô sắp về quê ăn Tết nên muốn kiếm ít cá, nướng khô để cô mang về làm quà. Mong cô nhận cho mẹ con tôi vui".

Cầm gói cá mẹ con Tài đưa mà khóe mắt tôi cay cay. Tôi quay vào nhà để giấu những giọt nước mắt đang trào ra. Một lát sau, tôi cầm ra cho em hộp bánh, đôi dép tôi đã mua để thưởng khi em đạt được kết quả tốt trong đợt thi học kỳ.

Hai mẹ con không dám cầm. Chúng tôi cứ đùn đẩy nhau mãi. Cuối cùng, tôi phải làm mặt giận và nói sẽ không nhận quà của họ nữa. Lúc đó mẹ con Tài mới nhận.

Hết năm học, tôi chuyển công tác về gần nhà.

Tài nay đã là một sĩ quan hải quân. Tuy đóng quân xa nhưng hầu như năm nào Tài cũng về thăm tôi ít nhất 1 lần. Quà Tài mang về là những con ốc biển đủ loại, những nhành san hô, có khi là những loại hải sản ngon… Nhưng với tôi, bọc cá đồng nướng năm xưa mới là món quà đặc biệt nhất bởi vì trong đó chứa đựng một tình cảm mà ít ai có được.

Nó cũng chính là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn của thời bao cấp, giữ vững niềm tin và yêu nghề hơn.

Độc giả: Kim Liên