Niềm vui bình dị sau những chuyến xe công nghệ

Không chỉ là một công việc với thu nhập ổn định đủ trang trải cuộc sống, niềm vui và sự sẻ chia trong nghề nghiệp bình dị này đã mang lại nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống của chị Lương Thị Ngọc Hạnh và anh Nguyễn Văn Hải.

“Nhân duyên” đến với nghề lái xe công nghệ 

Chị Lương Thị Ngọc Hạnh (42 tuổi, TP.HCM) vừa bắt đầu cuốc xe đầu tiên sau khi làm xong việc nhà và đưa con đến trường. Là mẹ đơn thân đã khó, trách nhiệm này lại nhân đôi khi con không được khỏe mạnh như bao người. 

Vì con gái mắc bệnh tăng động, chị Hạnh luôn phải kèm cặp theo con nên rất khó làm công việc có giờ giấc cố định. Năm 2016, bố vừa mất, chị trở thành chỗ dựa duy nhất cho mẹ và con gái. Để trang trải cuộc sống, chị đi xin việc khắp nơi nhưng chẳng mấy chỗ nhận. 

Đối với chị Hạnh, con gái là niềm động lực to lớn nhất phía sau những chuyến xe (Ảnh: Thanh Sơn)

Chị Hạnh kể: “Lúc ấy, con mình bé quá, lại bị tăng động mà công việc yêu cầu phải làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Con lại đi học từ 7 giờ, đến 4 giờ chiều phải xin về sớm để đón con, giờ giấc như vậy người ta cũng ngại tuyển. Hồi đó mình đang thất nghiệp thì tình cờ biết đến Grab, tìm hiểu thấy công việc này cũng linh động, mình còn dành thời gian để chăm con nên đăng ký. Thế mà cũng đã vào nghề được 5 năm rồi”. 

Chị Hạnh chia sẻ: “Nhà neo người nên sáng trước khi đi làm, mình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa rồi đưa con đi học. Cũng may mình đã chọn được nghề này, chứ làm nghề khác thì khó mà linh hoạt được vậy. Thu nhập từ nghề này cũng ổn định, đủ để mình lo cho con và dư một khoản phụ giúp gia đình”. 

Cùng cảnh đơn thân nuôi con, anh Nguyễn Văn Hải (40 tuổi), một tài xế công nghệ tại TP.HCM cho hay nghề này rất phù hợp với hoàn cảnh của anh. Trước đây, anh Hải từng có công việc ổn định và gia đình êm ấm, nhưng rồi vợ bỏ nhà đi để lại cho anh hai cậu con trai còn nhỏ dại. Cú sốc ấy khiến anh khó lòng tiếp tục công việc thợ quảng cáo. Anh đành nghỉ việc, gửi hai con về quê cho ông bà và tìm kiếm công việc mới.

“Mình cũng tìm hiểu nhiều lắm trước khi quyết định tới với Grab. Bây giờ, đây đã là nghề chính của mình rồi, thu nhập từ Grab cũng ổn định, mình lại tự chủ thời gian, nhờ đó cũng cho tụi nhỏ được ăn học đàng hoàng”.

Khi nhắc đến con, anh Hải không giấu được niềm tự hào: “Dù hai con ở xa bố nhưng rất ngoan ngoãn và vâng lời. Ngoài giờ học cũng hay đỡ đần ông bà các việc vặt trong nhà, nhờ đó mình cũng yên tâm phần nào”. 

“Bến đỗ” ấm áp tình người

Chị Hạnh và anh Hải đều đã gắn bó với nghề tài xế công nghệ hơn 5 năm nay và vẫn muốn đồng hành lâu dài với nghề, bởi theo anh chị, công việc này không chỉ là kế sinh nhai mà còn là nguồn động lực tinh thần. 

Việc trở thành trụ cột chính trong nhà đôi lúc làm chị Hạnh cảm thấy rất áp lực. Thế nhưng, tâm trạng ấy dường như được cởi bỏ phần nào sau mỗi cuốc xe. “Nhà chỉ có mỗi mình loay hoay, nhiều khi cũng mệt mỏi và áp lực lắm. Nhưng mỗi ngày chạy xe được trò chuyện, tâm sự với khách nên cũng vơi bớt, mình lại có thêm động lực để tiếp tục công việc này”, chị Hạnh tâm sự.

Dù không có gia đình ở bên, anh Hải vẫn cảm nhận được sự ấm áp từ nghề tài xế công nghệ nơi đất khách. “Bữa đó mình đang giao hàng thì bị ngã, báo lên app thì một lát sau đã được nhân viên Grab gọi đến hỏi han tận tình. Hành động tuy nhỏ nhưng mình cảm thấy được động viên tinh thần rất nhiều”. 

 Nhận được tình cảm của hành khách và hỗ trợ từ Grab là niềm vui để anh Hải thêm gắn kết với nghề (Ảnh: Thanh Sơn)

Sau những cuốc xe, cuộc sống của anh Hải, chị Hạnh cũng dần được cải thiện. Với nữ tài xế như chị Hạnh, đó là những hỗ trợ ấm áp từ Grab và anh em đồng nghiệp. Chị kể: “Đợt trước, xe cũ của mình bị hỏng nặng. Được các anh ở Đội hỗ trợ giới thiệu mới biết Grab có chương trình sửa xe miễn phí. Nhưng xe không sửa được nữa nên Grab đã hỗ trợ tặng xe mới cho mình, nhờ đó mình mới có phương tiện để tiếp tục chạy”.   

Những chương trình phía Grab đã giúp cuộc sống của anh Hải vượt qua khó khăn, “Hỗ trợ của Grab mình không kể hết được, lúc dịch bệnh Grab tặng mình thực phẩm, ngoài ra còn hỗ trợ liên kết ngân hàng cho mình để vay vốn và trả góp điện thoại nữa, được quan tâm san sẻ như vậy thật sự rất đáng quý”, anh Hải trải lòng. 

Làm bố mẹ chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt ở những “gia đình khuyết” khi những người bố, người mẹ phải cân bằng giữa mưu sinh và gia đình. Niềm vui và sự sẻ chia trong công việc sẽ luôn mang lại nguồn năng lượng tích cực, tiếp sức cho những người như anh Hải, chị Hạnh thêm yêu và gắn bó với nghề mà mình đã chọn. 

Doãn Phong