Người đàn ông Hà Nội 5 năm 'nuôi con tu hú', mất trắng nhiều tỷ đồng
Cú lừa 6 năm
Suốt nhiều năm công tác, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, đa phần khách hàng nam giới khi đến làm xét nghiệm tại trung tâm đều mang trong mình một sự nghi ngờ. Họ nghi ngờ về huyết thống của con mình, cháu mình.
Nhiều trường hợp sau khi nhận kết quả mới biết mình bị lừa về tình cảm và vật chất suốt một thời gian dài bởi người phụ nữ mà họ đã hết lòng yêu thương.
Bà Nga kể về trường hợp của anh Nguyễn Văn Tùng (tên đã được thay đổi, 35 tuổi, một kỹ sư ở Hà Nội). Đến trung tâm nhận kết quả, anh Tùng gần như ngã quỵ khi hay tin đứa con trai 5 tuổi mình chăm bẵm từ bé không phải con của mình.
"Anh ấy vừa khóc vừa mở chiếc ví ra khoe tấm ảnh chụp một cậu bé rất dễ thương. Anh kể mình rất yêu con, lúc nào cũng mang theo ảnh của bé trong ví. Anh coi đứa trẻ là niềm may mắn, hạnh phúc nhất đời mình", bà Nga nhớ lại.
Trong nỗi thất vọng ê chề, người đàn ông này kể với bà Nga rằng, anh quen người vợ tên Thư (quê ở một tỉnh giáp ranh Hà Nội) vào năm 2015 qua một nhóm bạn. Thời gian đầu, tình cảm chỉ có một phía từ anh.
Xung quanh chị Thư lúc nào cũng có nhiều vệ tinh theo đuổi nhưng dường như chị Thư không nhận lời một ai. Thấy mình vẫn có cơ hội nên anh Tùng tích cực "tấn công".
Đầu năm 2016, được chị Thư "bật đèn xanh", anh Tùng ngỏ lời yêu và hai người nhanh chóng có những giây phút ngọt ngào bên nhau.
Chưa đầy một tháng sau, anh Tùng nhận được tin nhắn của chị Thư báo tin đã có thai. Nhìn ảnh chụp tờ phiếu siêu âm có một chiếc chấm nhỏ xíu mà bạn gái gửi tới, chàng kỹ sư vô cùng vui mừng hạnh phúc.
Anh Tùng đem chuyện thưa với gia đình và lên kế hoạch tổ chức hôn lễ. Thấy con trai yêu nhanh, cưới vội, mẹ anh Tùng khuyên nên suy nghĩ thật kỹ. Tuy nhiên, nghĩ đến đứa con, anh vẫn kiên quyết lấy chị Thư làm vợ.
Sau khi kết hôn, anh Tùng mua một căn chung cư nhỏ để hai vợ chồng có không gian riêng tư. Đứa con trai chào đời, anh Tùng ngỡ mình là người hạnh phúc nhất khi có một gia đình nhỏ với vợ đẹp, con ngoan.
Thương vợ đã dành 2 năm ở nhà chửa đẻ, chăm con nhỏ, năm 2019, anh Tùng rút toàn bộ số tiền tiết kiệm đầu tư mở một cửa hàng nội thất cho vợ làm chủ.
Vốn là kỹ sư xây dựng, anh Tùng có không ít mối quan hệ làm ăn nên cửa hàng kinh doanh khá tốt. Sau hơn hai năm, họ dành dụm được số tiền hơn 3 tỷ đồng. Số tiền toàn bộ do người vợ nắm giữ.
Anh Tùng tính toán, với số tiền đó, anh sẽ vay mượn thêm, mua cho vợ con một căn biệt thự ở ngoại thành để gia đình có không gian sống rộng rãi hơn. Khi đem kế hoạch này ra bàn bạc, anh Tùng vô cùng bất ngờ trước phản ứng của vợ. Chị Thư kiên quyết không đồng ý và nói anh là người gia trưởng, chuyện gì cũng muốn một mình tự quyết.
Ngày hôm sau, vì một chuyện rất nhỏ khác, người vợ lấy cớ giận dỗi và đập phá đồ đạc trong nhà. Anh Tùng càng sốc hơn khi vợ nói không ít lời lẽ xúc phạm bố mẹ của anh.
"Trong lúc tức giận, anh ấy cũng đã to tiếng với vợ. Người vợ liền lấy ngay một tờ đơn ly hôn yêu cầu anh ấy ký nhưng anh ấy không ký", bà Nga kể lại câu chuyện của anh Tùng.
Theo bà Nga, thời gian sau đó, người vợ đã đơn phương nộp đơn ly hôn ra tòa và tuyên bố tất cả số tiền 3 tỷ đồng mà chị này giữ là do chị làm ra. Đó cũng là tiền "bồi thường cho tuổi xuân" của chị ta. Sau ly hôn, người chồng sẽ không có gì hết.
Khi ra tòa, anh Tùng đã đồng ý không tranh chấp tài sản vì nghĩ sẽ cho chị Thư mọi thứ để chị có tiền ổn định cuộc sống và nuôi con.
Mọi chuyện nếu chỉ dừng lại ở đó thì anh Tùng vẫn nghĩ đứa trẻ là con mình. Tuy nhiên, sau khi ly hôn, người vợ liên tục bêu riếu anh trên mạng xã hội, mục đích để uy hiếp đòi anh gửi tiền "cho con trai" thường xuyên.
Khi ấy, nhiều người khuyên anh nên xem xét kỹ lại mối quan hệ này, nên đi xét nghiệm ADN đứa trẻ. Nếu thực sự đến với anh Tùng vì tình cảm thì có lẽ chị ta đã không hành động, phát ngôn tùy tiện như thế. Và ít nhất, chị ta cần giữ thể diện cho bố của con trai mình.
Anh Tùng sau đó tìm đến trung tâm của bà Nga và nhận ra mình đã "nuôi con tu hú" suốt nhiều năm. Người đàn ông hiểu, mình đã bị lừa dối ngay từ đầu. Suốt nhiều năm, chẳng qua anh chỉ là một bến đỗ tạm thời khi hai mẹ con họ chưa có đủ điều kiện để sống một mình.
Có nhiều đàn ông bị lừa nhưng không ai kiện vợ
Là một luật sư tư vấn pháp lý cho nhiều vụ ly hôn, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cũng gặp không ít trường hợp tương tự.
Anh Thái nhớ mãi trường hợp của cặp vợ chồng tên Bích - Thành (quê Phú Thọ). Hai người này ly hôn sau 6 năm chung sống. Tòa phân xử chị Bích được nuôi đứa con trai 4 tuổi. Người chồng tìm mọi cách giành lại quyền nuôi con nhưng không được.
Ba năm sau, chị Bích tái hôn với người yêu cũ. Không chấp nhận con trai sống chung với bố dượng, anh Thành lại tiếp tục đến đòi con.
Cuối cùng, chị Bích đành đưa bản xét nghiệm ADN cho thấy cậu bé không phải con anh Thành. Chị này khi ấy mới thú thật từng có thời gian ngắn qua lại với người yêu cũ khi mới kết hôn.
Anh Thành biết sự thực thì vô cùng đau khổ. Người đàn ông đã yêu cầu chị Bích phải đền bù 200 triệu đồng để bù đắp tổn thương tinh thần và chi phí suốt 4 năm nuôi con.
Theo luật sư Thái, việc vợ lừa dối chồng nuôi con người khác là một việc làm rất đáng lên án. Song thực tế, pháp luật không có quy định nào về việc bồi thường trong những trường hợp như vậy. Cũng chưa có vụ án nào tương tự được ghi nhận trong án lệ mà Tòa án nhân dân tối cao đã công bố. Việc đòi bù đắp tổn thương tinh thần là dựa trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của hai bên.
Luật sư này phân tích thêm: Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. Nếu đứa trẻ được tòa án xác định không phải là con của người cha, người mẹ thì họ không có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ.
Đối với những trường hợp người đàn ông cho rằng mình bị lừa nuôi con, lại bị mất hết tài sản như trường hợp của anh Tùng, nếu muốn kiện người vợ về tội lừa đảo, người chồng phải chứng minh được hành vi gian dối của người vợ. Nếu muốn đòi lại tài sản, người chồng cũng phải chứng minh được đó là tài sản của mình, mình có công sức đóng góp.
Khi đến với nhau và kết hôn, tình yêu và sự tin tưởng là quan trọng. Tuy nhiên, với những người có nhiều tài sản, có ý kiến cho rằng, đôi bên có thể làm các hợp đồng hôn nhân hay thỏa thuận cam kết liên quan đến tài chính.
Liên quan đến ý kiến này, luật sư Thái khẳng định, việc muốn ký hợp đồng hôn nhân hay thỏa thuận cam kết liên quan đến tài chính là không thể bởi khoản 2 Điều 5 "Bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình" Luật hôn nhân và gia đình đã quy định cấm các hành vi kết hôn giả tạo, yêu sách của cải trong kết hôn....
Do đó việc ký kết hợp đồng hôn nhân hay thỏa thuận cam kết liên quan đến tài chính khi kết hôn là hành vi không đúng và trái với quy định của pháp luật.
"Trước mọi mối quan hệ, tôi nghĩ người đàn ông nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ đối phương, có thời gian yêu đủ lâu để chắc chắn về tình cảm của cả hai. Đó là cách phòng bị tốt nhất", luật sư Thái nêu quan điểm.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, đối với người đàn ông, không có gì đau đớn bằng việc vợ ngoại tình hoặc cố tình lừa dối khiến họ phải nuôi con người khác nhiều năm.
Nhiều người đàn ông đã dành hết tình yêu thương cho đứa con, coi đứa là động lực mục tiêu phấn đấu. Chính vì lẽ đó, khi biết sự thực, họ rơi vào trạng thái rất tiêu cực. Có trường hợp thậm chí còn nghĩ tới những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Giám đốc Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người phụ nữ nên thành thật nói với bạn trai mình, chồng mình. Có nhiều người đàn ông vị tha sẵn sàng tha thứ khi vợ thành thật, hối cải.
Theo Dân trí