Ngày tôi làm ba

Thú thật, tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ làm ba một ai đó. Nhưng rồi tôi cũng làm ba, một công việc ngoài kế hoạch nhưng thú vị vô cùng.

Tôi tin nhân duyên. Và cũng tin rằng, mỗi người sinh ra trong đời này đều có một “sứ mệnh” nào đó, để mình trải nghiệm và trưởng thành, nhận ra bản thân mình để bình an mà sống.

Với tôi, làm ba là nhân duyên đặc biệt. Vị trí lớn lao như vậy nhưng tôi chỉ quyết định trong vòng… mấy nốt nhạc - qua một cuộc gọi điện thoại của bạn. Đó là nhân duyên mà tôi nghĩ, chắc bạn nhỏ này sinh ra để làm con của mình. Thế là tôi đón con về trong một ngày thật bình yên, khi nắng sớm trải màu vàng trên những khóm cây trước hiên, mấy chú chim tìm mồi cho con ríu rít ở hàng cau trước cổng khiến lòng tôi rộn vui. Vậy là mình đã làm ba.

Tôi và con trai, chúng tôi tập làm bạn của nhau. 

Tôi nghĩ đến tên của con trai mình trong sáng đầu tiên con được ẵm về nhà khi mới 8 ngày tuổi. Bình Minh. Đó là cái tên mang ý nghĩa của sự bắt đầu, một ngày mới, một cuộc sống mới. Bình Minh cũng là sự ấm áp, là ánh sáng tỏa ra giữa bầu trời cao rộng, xua đi bóng đêm của ngày hôm trước. Tôi mong con mình có một cuộc sống bình an như ngày mới ở quê mình, nơi hiên nhà rộn tiếng chim. Tôi cũng mong con luôn ấm áp, dồi dào yêu thương như ánh nắng đầu ngày dành tặng cho muôn loại sự sống.

Thực sự, làm ba là một công việc thú vị từ trước đến giờ mà tôi đảm nhiệm, bởi, nhìn một đứa trẻ bé bỏng trên tay mình nó lạ lắm. Khi đó, lòng mình mềm ra, tình thương dâng đầy, mọi phiền lo đều rơi rụng hết.

Nhìn đứa trẻ ấy bập bẹ trên tay mình, tôi biết, mình cần mạnh mẽ hơn để trở thành tấm khiên che chở cho con trong lứa tuổi này. Nghe tiếng con khóc, tôi biết con đang đói và dù trước đó lọng cọng trong nấu nướng thì việc pha sữa cũng trở nên… dễ dàng khi mình bắt đầu làm ba.

Trăm hay không bằng tay quen, khi làm nhiều, nhất là làm bằng tình thương thì chuyện khó cũng thành dễ. Tôi nhớ những lần thay tã cho con, tôi cảm nhận mình đã vượt qua giới hạn của dơ/sạch để làm việc đó trong hạnh phúc. Hẳn nhiều ông bố bà mẹ cũng đã vượt qua được giới hạn này và đồng cảm với tôi?

Khi con lớn dần, mỗi ngày dù ở gần hay xa con, tôi đều kiểm tra “hôm nay Bình Minh biết thêm gì rồi” và vui mừng khi con đã lật giỏi, biết bò, chập chững đi, nói chuyện rõ hơn…

Má tôi là người phụ trách chính chuyện chăm cháu, vẫn “báo cáo” cho tôi những đổi thay của con vì biết, đó là “vitamin” giúp tôi sáng da, mỉm cười mỗi khi nghe. Làm ba với ai có thể khó nhưng với tôi dễ hơn nhiều chính vì nhờ có má mình - nội của Bình Minh. Có lẽ việc khó nhất của tôi chính là… kiếm tiền mua sữa cho con, còn lại đã có má mình lo. Kể ra, một ông bố đơn thân như tôi cũng thảnh thơi.

Có lẽ do có duyên ba-con nên từ khi làm ba, con trai tôi đã thương tôi bằng cách mỗi ngày vẫn bình yên bên nội. Có lúc khó ở nhưng con vẫn hiểu nhà mình neo đơn nên nhanh chóng vượt qua.

Từ hồi làm ba, tôi biết trách nhiệm mình nhiều hơn. Con sẽ gắn với tôi cả đời nên cả đời mình, tôi luôn tự nói, phải cố gắng vững chãi để con có điểm tựa để bước vào cuộc đời với sự tử tế. Tôi không dám nói mình là một người ba hoàn hảo nhưng tôi sẽ cố gắng để hoàn thiện mình, trở thành một người ba tốt nhất có thể.

Tất nhiên, để được như vậy, tôi phải học… làm ba. Không có một khóa học cụ thể cho chức vụ “ba” dù đó là chức vụ quan trọng, không có nhiệm kỳ. Nhưng tôi sẽ học từ những người ba dễ thương, những ông bố là tượng đài của con mà mình ngoài đời thực cũng như sách vở.

Thực tế, có rất nhiều ông bố là BẠN lớn của con. Đó là những người ba không áp đặt, biết lắng nghe con, chấp nhận những điểm yếu của con, đỡ nâng nhưng không sắp xếp mọi thứ, hướng dẫn chứ không dắt con đi và càng không bê con để vào một nơi/ lên một vị trí mà mình nghĩ là tốt…

Ai cũng mong con mình thật tài giỏi và có giá trị trong cuộc đời này. Nhưng dù con có là gì thì ba vẫn yêu con. Đó là sự chấp nhận, là một cách đi-bên-con một cách nhẹ nhàng. Có người anh đồng nghiệp, cũng là một ông bố của một cu cậu đang tuổi vị thành niên chia sẻ: “Con trai anh không phải là đứa học giỏi nhất lớp nhưng anh biết con chơi đá bóng giỏi, anh tự hào vì năng lực ấy của con”. Và anh kể về bố của mình, rằng ông cụ từng bị người khác chê bai con mình không to cao, khi đó ông đã nói: tôi hạnh phúc vì con mình lành lặn, đó đã là món quà rồi…

Nếu biết nhìn những điểm mạnh và cái được của con mình, tôi nghĩ mình sẽ hạnh phúc với chức vụ làm ba. Con của tôi hẳn cũng sẽ hạnh phúc vì có một ông bố hạnh phúc. Đó là bài học mà tôi cảm nhận từ khóa-học-làm-ba do những ông bố hạnh phúc khác chia sẻ với mình…

Lưu Đình Long