Mẹ Việt ân hận tột cùng sau lần đoạn tuyệt bí ẩn của vợ chồng Pháp
Lần đoạn tuyệt bí ẩn
Ngồi một mình trong căn nhà tựa lưng vào mé sông, bà Nguyễn Thị Hồng (57 tuổi, quận 8, TP.HCM) đắm chìm trong vô vàn suy nghĩ.
Bà cố lục tìm trong ký ức những thông tin về đứa con gái mà bà đã trót cho đôi vợ chồng người Pháp vào năm 1998. Năm ấy, vợ chồng bà sống trong tận cùng túng quẫn.
Sau khi sinh con gái đầu lòng, vợ chồng bà lâm cảnh nợ nần chồng chất. Những cuốc xe ôm thâu đêm suốt sáng của chồng bà không nuôi nổi mấy miệng ăn. Giữa lúc cuộc sống thiếu thốn, bà bất ngờ cấn thai, sinh đứa con thứ 2. Cuộc sống vợ chồng bà đã khó khăn nay lại thêm phần thắt ngặt. Nghĩ đến việc không biết lấy gì nuôi con sau khi đứa bé chào đời, bà lã chã nước mắt.
Đúng lúc ấy, bà được một người phụ nữ “mách nước” đem đứa bé cho vợ chồng người Pháp đang có nhu cầu xin con nuôi. Không dám tự ý quyết định, bà đem chuyện cho con bàn với chồng.
Dẫu biết cho con, đứa bé sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng vợ chồng bà Hồng vẫn không đành lòng. Cả hai không nỡ rời xa khúc ruột của mình.
Nhưng khi bé được 3 tháng tuổi, bà Hồng nhận được tin con gái mắc bệnh về phổi phải điều trị lâu dài, tốn kém. Bà kể: “Chúng tôi tự biết mình không đủ điều kiện chăm sóc, chạy chữa cho con”.
“Trong khi đó, vợ chồng người Pháp ấy rất tốt. Họ đến thăm nhà, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cho con để con được chạy chữa, có cuộc sống tốt hơn”, bà nói thêm.
Ngày được đem cho, đứa bé vẫn chưa được cha mẹ ruột đặt tên. Mãi cho đến khi làm giấy tờ, được người thông dịch viên hỏi tên con, bà Hồng mới vội vàng lấy tên của mình làm tên lót cho con và tạm gọi bé là Nguyễn Thị Hồng Gấm.
Sau khi nhận con, đôi vợ chồng người Pháp vẫn nán lại TP.HCM. Trong thời gian này, họ vẫn để cho vợ chồng bà Hồng đến thăm đứa bé. Những lúc ấy, họ đều chụp ảnh và gửi cho bà Hồng giữ làm kỷ niệm.
“Ngày họ ôm con tôi lên máy bay về nước, tôi cũng ra tiễn biệt. Ông người Pháp đến nắm tay tôi, trao cho tôi túi quà cùng một số tiền. Ông ấy nói đó là tiền cám ơn và hy vọng nó sẽ giúp tôi trang trải việc học cho đứa con gái lớn”, bà Hồng kể.
Cả hai cho vợ chồng bà Hồng ôm con lần cuối rồi lên máy bay, mang theo nỗi nhớ con của bà về Pháp. Khi máy bay cất cánh, bà Hồng đã nghĩ “mình mất con rồi, không bao giờ được gặp lại con nữa”.
Thế nhưng, về đến Pháp, đôi vợ chồng trẻ ấy lập tức thư từ cho bà Hồng. Trong thư, hai người luôn thông tin rất cụ thể về tình hình sức khỏe của bé Hồng Gấm. Thậm chí, họ còn chụp ảnh bé, gửi về cho ông bà.
Nhận được thư, gia đình bà Hồng thuê người dịch rồi cũng hồi âm. Suốt nhiều năm sau đó, hai gia đình vẫn thư từ qua lại. Bà Hồng vẫn được dõi theo sự phát triển của con thông qua những lá thư từ Pháp.
“Thế rồi khi bé được 15 tuổi, gia đình tôi bất ngờ nhận được thư lần cuối. Sau lá thư ấy cho đến nay, chúng tôi không thể liên lạc được với cha mẹ nuôi của bé nữa. Chúng tôi bị mất liên lạc một cách bí ẩn”, bà Hồng kể.
Mong được gặp lại con dù chỉ một lần
Sợi dây liên lạc bất ngờ bị đứt ngang một cách bí ẩn khiến bà Hồng khó hiểu và vô cùng lo lắng. Không nhận được tin tức về con, bà sống trong nỗi nhớ con quay quắt.
Sự lo lắng cùng nỗi nhớ nhung khiến bà hối hận tột cùng. Bà ân hận khi đã cho đứa con mình đứt ruột sinh ra để bây giờ không biết “nó còn hay mất”, có biết đến sự tồn tại của mình hay không.
Bà nói: “Tôi thật không hiểu vì sao họ không liên lạc với tôi nữa bởi đôi vợ chồng người Pháp ấy thực sự rất tốt. Sau khi về nước, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Giáng Sinh, họ lại gửi đồ chơi, quần áo đẹp về cho con gái lớn của tôi”.
“Thậm chí, họ còn gửi cả tiền. Việc này kéo dài đến khi tôi sinh thêm đứa con trai út. Khi biết tôi sinh thêm con, vợ chồng họ cũng gửi thư chúc mừng, tiền mừng tuổi, quần áo, đồ chơi cho bé. Thế mà bỗng nhiên chúng tôi không liên lạc được với nhau nữa. Tôi không còn được biết con mình bây giờ thế nào”, bà nói thêm.
Bà Hồng khẳng định, dù chưa một lần mở lời xin tiền thậm chí nhiều lần từ chối nhận tiền nhưng vợ chồng người Pháp vẫn đều đặn gửi về cho ông bà. Kèm theo những phần quà là các bức thư kể về việc học tập, tính cách của Hồng Gấm.
Năm 2013, bà nhận được lá thư cuối cùng có nội dung: “Chào chị! Hồng Gấm nay đã là một cô gái 15 tuổi trưởng thành, năng động với một cá tính mạnh mẽ và quyết đoán”.
“Con đam mê mọi thứ liên quan tới nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, kịch, hội họa, âm nhạc… Con là một học sinh giỏi. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng để con học lâu nhất có thể…”.
Đó là những dòng chữ cuối cùng mà bà nhận được từ đôi vợ chồng người Pháp. Sau đó, bà viết thư gửi sang Pháp theo đúng địa chỉ bà vẫn gửi trước đó nhưng không có hồi âm.
Cố gắng nhưng không đem lại kết quả, vợ chồng bà Hồng đành buông xuôi, giấu nỗi buồn vào lòng. Mỗi khi nhớ con, bà Hồng lại mở cuốn sổ cũ kĩ, lấy những bức ảnh của con ra xem rồi khóc một mình.
Suốt 10 năm qua, bà nhớ con da diết. Bà mong tin con đến quên ăn, quên ngủ. Bây giờ, bà khốn khổ với nỗi đau không biết phải tìm con bằng cách nào. Đến lúc này, bà chỉ nhớ cha nuôi người Pháp của Hồng Gấm tên Claudel Phillippe, vợ ông tên Kucha Rzewski Dominique.
Bà nói: “Suốt 24 năm qua, tôi chưa một lần được nhìn thấy mặt con ngoài đời thật. Đến giờ, tôi vẫn nhớ câu nói của ông Claudel Phillippe: “Khi bé được 18 tuổi, chúng tôi sẽ cho bé về thăm cha mẹ ruột. Lúc đó, bé có nhận cha mẹ hay không còn tùy thuộc vào bé”.
“Tôi không biết con có biết sự tồn tại của tôi hay không, con có hận chúng tôi hay không. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng muốn được gặp con một lần, dù chỉ là một lần rồi thôi cũng được. Chỉ cần biết con bình an, khỏe mạnh và được thấy con một lần, tôi có ra đi cũng an lòng”, bà nói trong nghẹn ngào.