Màu hoa nhắc nhở…

Mùa Vu lan năm nay tôi vẫn còn diễm hạnh được cài hoa hồng đỏ - màu hoa tượng trưng cho mình vẫn còn có má.

Cách đây 20 năm, lần đầu tiên tôi được cài hoa hồng trên áo. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến mái chùa ở quê, được nghe thầy giảng về hiếu đạo từ câu chuyện của ngài Mục Kiền Liên tu hành đắc đạo, xuống được Địa ngục để cứu mẹ. 

“Vì thương mẹ mà ngài Mục Kiền Liên đã dùng pháp cúng dường, nhờ thần lực của mười phương Tăng để chuyển nghiệp cho bà Thanh Đề”, lời thầy giảng đã được tôi ghi nhớ trong sâu thẳm lòng mình. Vị thầy nhấn mạnh, đạo hiếu quan trọng nhất, dù có là ai thì cũng giữ hiếu đạo vì đó là nền tảng căn bản của con người.

Đạo tràng Phật tử và những người mến đạo hôm ấy nhiều người rưng rưng khi nghe thầy nói rằng, bản thân thầy cũng có một người mẹ già và luôn hướng về mẹ mình để giữ tâm tu vững chãi hơn. “Rất vui vì mẹ thầy cũng hiểu đạo, biết tu, ăn chay niệm Phật hằng ngày. Ở tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn bình an, nhẹ nhàng với sanh tử nhờ biết tu học Phật, đó là điều đáng mừng nhất”, thầy nói.

Thắp đèn cầu bình an cho bố mẹ trong mùa Vu lan 2022 - Ảnh: Đăng Huy

Xúc động hơn khi chương trình ‘Bông hồng cài áo’ được diễn ra trong ánh nến lung linh trên tay mỗi người; lời thơ ngân lên “Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Trong khoảnh khắc ấy, lời nhạc Bông hồng cài áo cùng giọng đọc trong trẻo của một nữ Phật tử với tác phẩm cùng tên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vang lên trong không khí ấm áp tình thương khiến ai cũng sụt sùi. 

“Hoàng hôn phủ trên mộ Chuông chùa nhẹ rơi rơi Tôi thấy tôi mất mẹ Mất cả một bầu trời”.

Có ai đó đã rưng rức khi nghe đến đây. Và rồi, dường như có một hiệu ứng tình thương trong sâu thẳm lòng người, nhiều nam thanh niên cũng không kèm được nước mắt. Nước mắt của hiểu - thương những khó nhọc của bố mẹ mình, nước mắt của hối lỗi vì đã có lúc làm bố mẹ phải lo lắng, sầu muộn…

*

Kể từ đó, năm nào tôi cũng dự lễ cài hoa hồng và đi chùa mùa Vu lan. Tôi vẫn còn may mắn được cài hoa hồng đỏ trên ngực áo vì mình vẫn còn má. Nhưng tôi vẫn luôn được nhắc và tự nhủ với mình rằng, cuộc sống vô thường, mạng người trong hơi thở, má mình và cả mình đều phải trải qua hành trình sinh tử đó, nên phải trân trọng những phút giây còn sống, những ngày được bên nhau.

Tôi không có diễm phúc được ở gần má hằng ngày để có thể cùng ăn cơm với má. Cơm má nấu lúc nào cũng ngon. Chắc do tôi thiếu phước. Tôi vẫn nghĩ thế để mỗi khi có dịp về quê, tôi sẽ luôn ăn cơm má nấu, ăn cùng má trong những bữa cơm chay đạm bạc. 

Mà thiệt tình, cơm nhà quê khi nào cũng đơn sơ vì nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Má hay trồng rau trong mấy thùng xốp, rồi xin phân chuồng hàng xóm để bón. Má bảo, rau nhà mình đúng là rau sạch. Còn tôi thì cảm nhận cơm má nấu ngoài những nêm nếm bình thường thì luôn có thêm gia vị tình thương nên ngon hơn những chỗ khác mình từng được ăn. 

Vài năm nay, nhất là sau dịch, có dịp về nhà tôi hay ngắm má kỹ hơn. Tóc má bạc nhiều quá. Má giải thích: “Ngoài 60 rồi mà tóc không bạc mới lạ”. Má cười cười khi nói vậy. Rồi tôi nhìn đôi tay xương gầy của má, mỗi lúc má cầm chén cơm bới cho tôi, đôi tay run run khiến chén cũng rung theo.

Má thấy tôi lo lắng nên nói: ngoại hồi xưa cũng vậy, ai già cũng như rứa. Má luôn có cớ để “biện hộ” cho những lão hóa của mình. Nhưng, có lẽ, tình thương của má thì không bao giờ già với tôi. “Ăn thêm chén nữa đi, dạo ni thấy con hơi ốm”, “Sau bệnh Covid có bị chi không?”… Má hỏi han, rồi dặn tôi giữ sức khỏe, “người trẻ giờ bệnh sớm và có khi còn bị đột quỵ nữa”. Má nhắc vì vẫn xem tin tức ở tivi.

*

Khỏi phải nói, tình thương của má là vô bờ. Tôi tin, đại đa số những bà má trên thế gian này cũng thương con như má tôi. Có thể cách biểu hiện thương yêu khác nhau nhưng trái tim người mẹ chắc chắn sẽ luôn lo nghĩ cho con, dành cho con những lắng lo dù con mình… cũng đã hai thứ tóc.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN truyền đăng trong lễ cầu an cha mẹ mùa Vu lan tại chùa Minh Đạo - Ảnh: Đăng Huy

Còn với tôi, thiệt tình câu thơ “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” rất đúng với mình. Má lo cho con, con lo cho má. Lòng mẹ lòng con vì thế gắn kết với nhau bằng chất liệu tình thương. Có thương nên mới lo. Có thương nên mới thấy lòng mình như tan vỡ mỗi khi nghe lời ai đó nói đến hai chữ mồ côi. 

Tôi vẫn thực tập nhìn kỹ má mình dù ở xa má cả ngàn cây số. Nhìn kỹ là nhìn vào biểu hiện sanh-lão-bệnh-tử tất yếu của đời người để biết má cũng đang già, đã già. Mình cũng thế, nên thời gian bên nhau không nhiều, đó là chưa kể cuộc sống đầy bất trắc, vô thường.

*

Mùa Vu lan năm nay tôi vẫn còn diễm hạnh được cài hoa hồng đỏ - màu hoa tượng trưng cho mình vẫn còn có má. Tôi biết ơn má vẫn còn khỏe mạnh ở đó. Màu hoa ấy nhắc nhở tôi trân trọng thời gian má và mình vẫn còn sống ở đây, ngay hiện tại này để có muốn làm gì cho má thì cố gắng làm trong khả năng. Nhưng có lẽ, điều mình nên làm mỗi ngày - như má mong - đó chính là giữ thân khỏe, tâm an.

Đóa hoa trắng của người khác cũng nhắc nhở mình, ai rồi cũng sẽ đến lúc mồ côi. Có ai đó đã ân cần: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

Với tôi, Vu lan không có mùa, không chỉ duy nhất tháng 7. Nhớ điều này để mỗi ngày tôi đều giữ mình bình an như má mong. “Má cũng bình an mỗi ngày nghen”, tôi nhắn cho má trong sáng rằm tháng 7. Vậy là mùa Vu lan đã về trong lòng người, trong đó có tôi…