Mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 theo gợi ý của chuyên gia

Nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng, khi làm mâm cơm cúng Rằm tháng 7, các gia đình có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp khẩu vị, tránh lãng phí.

Theo tư vấn của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết (Hà Nội), Rằm tháng 7 trùng với lễ Vu lan báo hiếu và Xá tội vong nhân nên khi chuẩn bị mâm cúng, ta cần chuẩn bị 3 mâm.

1. Mâm cúng Phật Rằm tháng 7

Đối với những gia đình theo đạo Phật thì Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.

Ảnh: Độc giả VietNamNet

Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ. Đồ cúng thường là cỗ chay hoặc ngũ quả, nước lọc. 

Lúc làm lễ cúng nên đọc một bài kinh Vu lan để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh và cũng là một cách giúp hiểu hơn về ngày lễ này.

2. Mâm cúng thần linh và gia tiên Rằm tháng 7

Mâm cúng gia tiên ngày Rằm tháng 7 thường là mâm cỗ mặn với các món như: gà luộc, canh miến mọc, xôi đỗ xanh, thịt bò xào, chả nem, tôm hấp sả... hoặc các món ăn mà ngày xưa ông bà tổ tiên thích ăn.

Các gia đình cũng có thể chọn thực phẩm theo mùa, chế biến món ăn phù hợp với khẩu vị gia đình mình.

Lưu ý: Nên cúng Phật và cúng gia tiên vào buổi sáng. 

Ảnh: Độc giả VietNamNet

3. Mâm cúng chúng sinh Rằm tháng 7

Lễ cúng chúng sinh (cúng cô hồn) thường được thực hiện vào chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 Âm lịch. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7 Âm lịch.

Trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có:

Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hoa quả (5 loại 5 màu), 12 cục đường thẻ.

Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...).

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên đốt vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự. Bởi vậy, các gia đình có thể cân nhắc hình thức này. 

Nước: 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.....

Một lưu ý quan trọng của lễ cúng cô hồn là không cúng xôi, gà, thịt lợn. Chỉ cúng cô hồn bằng các món ăn chay, không cúng đồ mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si.

Món cháo loãng không thể thiếu trong lễ cúng cô hồn, bởi vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.

Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn khấn hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ cúng cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã (nếu có).

Minh Châu (tổng hợp)

Bài cúng Rằm tháng 7 theo Văn khấn cổ truyền Việt NamRằm tháng 7 là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. Vào ngày này, nhiều gia đình làm mâm cơm cúng thần linh, gia tiên và chúng sinh.