Gần 1.000 quả phúc khí cầu được thả lên trời

Sáng 3/2, hàng nghìn người dân đổ về Thất phủ Cổ miếu (TP Biên Hoà, Đồng Nai) tham dự lễ thả phúc khí cầu, một trong những hoạt động của lễ hội chùa Ông năm 2023.

Lễ hội chùa Ông năm 2023 có nhiều hoạt động đặc sắc, độc đáo diễn ra mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: biểu diễn võ thuật truyền thống, đờn ca tài tử Nam Bộ, biểu diễn tuồng cổ, giao lưu Thư pháp Việt - Hoa, lễ nghinh thần, thả phúc khí cầu, thả hoa đăng...

Gần 1.000 quả phúc khí cầu đính kèm những lời ước nguyện cầu bình an cho năm mới. 

Lễ hội nhằm thể hiện lòng thành kính với đất trời và chư vị phúc thần; bày tỏ ước nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà an khang, hạnh phúc, xã hội phồn vinh.

Người dân khi đến tham dự lễ thả phúc khí cầu viết tên mình kèm lời ước nguyện cho bản thân và gia đình trong năm mới. Sau đó, đính lời ước nguyện của mình lên những quả phúc khí cầu và được thả lên trời.

Lễ hội chùa Ông năm nay có nhiều hoạt động đặc sắc, độc đáo. 
 Chùm phúc khí cầu kèm lời cầu nguyện được thả lên trời. 

Chị Vân Liên (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, sau 2 năm bị tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay chị cùng gia đình đến tham dự lễ hội chùa Ông. Đặc biệt, trong lễ thả phúc khí cầu chị viết những lời ước nguyện cầu bình an cho gia đình, cầu cho mưa thuận gió hòa và nguyện xin cho mọi người được ấm no, hạnh phúc.

“Do 2 năm lễ hội chùa Ông không tổ chức, nên năm nay ngày nào tôi cũng đến đây để cầu bình an, mọi sự suôn sẻ đến với mọi người”, chị Liên nói thêm.

 Một lời ước nguyện cầu bình an cho năm mới được đính lên Phúc khí cầu. 

Sau khi làm lễ xong, con rồng xanh làm bằng bong bóng và gần 1.000 quả phúc khí cầu mang theo lời cầu nguyện của mọi người được thả lên trời.

 Một người dân chụp ảnh cùng những quả phúc khí cầu. 
Gần 1.000 quả phúc khí cầu được thả lên trời. 

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Ông cho biết, những quả phúc khí cầu được thả lên là cầu nối với trời cao, mang theo nguyện ước đầu năm, mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, xã hội an bình, gia đình sum vầy, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Thất phủ Cổ miếu (hay còn gọi là chùa Ông) được xây dựng năm 1684, tiếp giáp sông Đồng Nai, là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khai hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai.

UBND Đồng Nai đã đồng ý chủ trương cho phép xây dựng bộ hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, công nhận lễ hội chùa Ông là loại hình văn hóa phi vật thể.

Bài và ảnh: Huy Hoàng