Dược sĩ chuyển 6 tấn đất lên sân thượng, trồng cà chua 'khủng'
Anh Vũ Duy Vững (SN 1985, ở phường Đa Mai, TP. Bắc Giang, Bắc Giang) làm dược sĩ và có công việc kinh doanh riêng. Tuy nhiên, người đàn ông này lại có niềm yêu thích đặc biệt với cây cối.
Cách đây ít năm, anh quyết định chuyển 6 tấn đất lên sân thượng tòa nhà văn phòng của công ty gia đình để làm vườn. Đất được trộn giá thể, phân chuồng, sau đó đóng thành các bao nhỏ.
Thời điểm đầu, anh thuê người chuyển 4 tấn đất lên trước. Thời gian sau, anh lần lượt chuyển từng bao lên để bổ sung cho các khay, chậu, mỗi lần 40 -50kg.
Anh Vững trang bị chậu lắp ghép thông minh, giá kệ sơn tĩnh điện, mái che trong suốt, giàn leo làm từ ống kẽm hàn và sắt V lỗ lắp ghép. Ngoài ra, anh lắp đặt thêm máy bơm tưới phun và hệ thống đèn trang trí buổi tối.
"Tôi bắt đầu trồng cây từ tháng 3/2022. Khoảng thời gian đầu, tôi trồng dưa và bí. Cây bị xoăn ngọn nhiều phải nhổ bỏ. Các cây còn lại thì bị bọ dưa phá đục thối rễ rất nhiều.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, tôi trồng mật độ khá dày nên các cây chen chúc nhau, không phát triển được", anh dược sĩ nhớ lại những "thất bại" ban đầu.
Sau này, anh Vững bắt đầu tìm hiểu các nguyên nhân khiến cây trồng của mình không phát triển được để khắc phục.
Anh Vững chọn trồng cây theo mùa. Thời điểm hiện tại, anh trồng cà chua, các loại rau cải, su hào, đậu cô ve, cải thảo, mồng tơi, cải kale, rau muống, các loại rau thơm gia vị, chanh tứ quý, chanh vàng mỹ, hoa hồng.
"Tôi trồng các loại cây này chủ yếu theo sở thích ăn uống của gia đình. Đặc biệt, tôi trồng rất nhiều cà chua vì vợ tôi và các bạn nhân viên trong văn phòng rất thích ăn loại quả này.
Hiện vườn có 10 loại cà chua như bạch tuộc, sugar cherry, sweet cherry, cà chua solomon, cà chua múi Pháp, nova, cà chua Nga... Có giống cà chua khi thu hoạch nặng tới 0,5kg một quả", anh Vững nói.
Theo anh Vững, cây sân thượng chủ yếu trồng trong chậu nên dinh dưỡng đôi khi không được cân bằng như trồng dưới mặt đất. Việc chăm cây vì thế sẽ vất vả và cần nhiều thời gian hơn.
Theo anh Vững, để vườn sân thượng phát triển xanh, tốt, cần có những lưu ý nhất định.
Về đất trồng, anh trộn theo công thức 40:30:30 (40% đất thịt nhẹ + 30% phân chuồng hoai mục + 30% giá thể tơi xốp như bã mía, vỏ lạc, trấu hun). Ngoài ra, anh bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh để phòng các bệnh cho rễ.
Về nước, người đàn ông này sử dụng nước máy xả vào trong các thùng sau một thời gian mới đem tưới.
Ngoài ra, khi trồng cây theo phương pháp nông nghiệp sinh thái, mỗi gia đình nên thay thế các loại phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ. "Chuối rất nhiều kali hữu cơ mà cây dễ hấp thụ nên tôi thường mua về ủ làm phân. Tôi còn ủ đậu tương hoặc mua bã đậu, sữa hết hạn, vỏ trứng… về làm phân bón cho cây.
Lân bón cho cây cũng là các loại lân hữu cơ hoặc lân dạng khoáng. Nếu không có thời gian, các gia đình có thể mua các loại phân nhiều nhà vườn, công ty ủ sẵn dạng nước, dạng viên nén, tưới lá hoặc tưới gốc được làm từ chính các nguyên liệu kể trên", anh Vững chia sẻ.
Anh Vững còn thường xuyên gom tất cả các rác hữu cơ từ rau củ quả hàng ngày, thêm một chút men vi sinh, mật rỉ đường để ủ trong các thùng, xô chậu để tưới cây.
Một điều cần lưu ý khi trồng cây sân thượng là sâu bệnh. Kinh nghiệm của anh Vững cho thấy phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Anh thường phun phòng cho khu vườn của mình luân phiên bằng 3 chế phẩm vi sinh và sinh học an toàn cho sức khỏe: Giấm gỗ Apy (chế phẩm từ quá trình sản xuất than củi sinh học), dầu được chiết xuất từ dầu hạt cây neem vùng Ninh Thuận, chế phẩm vi sinh trừ sâu bệnh...
Ngoài cung ứng nguồn rau sạch cho gia đình, khu vườn nhà anh Vững còn trở thành nơi vui chơi, thư giãn cho hai con cùng nhân viên trong công ty. Rau trồng trong vườn không dùng hết, anh thường chia cho người quen và nhân viên đem về.
Theo Dân trí