Cô gái về nhà sau 29 năm bị bắt cóc nhưng phản ứng của mẹ rất đau lòng

Ngày 9/7/2022, Phó Mộng Cầm, 33 tuổi, quỳ xuống trước mặt mẹ ruột của mình và bật khóc. Đó là giây phút cô đã chờ đợi suốt 29 năm qua.

Đứa trẻ bị bắt cóc

Ngày 12/6/1993, Mộng Cầm (4 tuổi) được dẫn đến một gia đình nông dân ở Chu Khẩu, Hà Nam, Trung Quốc. Cha nuôi đặt tên cho cô là Hàn Đan Đan. Lúc đó trong gia đình đã có hai cậu con trai và Đan Đan trở thành chị cả.

Cha mẹ nuôi nói với Đan Đan rằng cô bị bỏ rơi bên vệ đường ở Bắc Kinh. Em trai của mẹ nuôi thương tình nên đã dẫn cô về Hà Nam. 

Đan Đan không tin điều đó. Vì vậy cô luôn nuôi khát khao tìm được ruột thịt của mình. 

Trong trí nhớ của Đan Đan, khi còn nhỏ, cô sống ở một tòa nhà 2 tầng. Sau đó một người đàn ông đã đưa cô rời quê hương bằng tàu hỏa. Nhưng cô không nhớ quê quán của mình ở đâu. 

Mộng Cầm trở về sau 29 năm bị bắt cóc.

Do điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ nuôi không đủ tiền cho ba con ăn học, Hàn Đan Đan buộc phải ở nhà sau 1 tháng vào trung học cơ sở. 

Năm 2006, Đan Đan lấy một chàng trai người địa phương. Sau đó, hai vợ chồng cùng nhau đến Trịnh Châu làm việc chăm chỉ. Cô sinh được hai con trai và mua nhà định cư tại khu đô thị Chu Khẩu.

Năm 2013, Đan Đan biết đến nền tảng tìm người thân Baby home Platform nên đã đăng thông tin của mình lên đó.    Tháng 3/2022, Đan Đan vô tình nhìn thấy một bài tìm người do ông Giang đăng trên Baby Home Platform. Khoảnh khắc đó, Hàn Đan Đan sững sờ khi thấy bức ảnh chụp em gái của ông Giang, khuôn mặt giống hệt cô trong gương.

Ngày 29/6, kết quả so sánh ADN của ông Giang và Hàn Đan Đan cho thấy hai người có quan hệ họ hàng với nhau. Ngày 5/7, kết quả đối chiếu của cảnh sát cũng được đưa ra, xác nhận rằng Hàn Đan Đan là con của em gái ông Giang.

Quỳ gối nhận mẹ

Khi tìm thấy người thân, Hàn Đan Đan quyết định dùng lại tên của mình là Phó Mộng Cầm.

Ngày 9/7, Mộng Cầm bắt chuyến tàu cao tốc từ Trịnh Châu đến Hành Dương (Hồ Nam) để gặp mặt người thân. Cùng khoảng thời gian đó, ở ga tàu Hành Dương, rất nhiều người thân như chú, dì và những người họ hàng khác của Mộng Cầm đã đợi sẵn ở lối ra với hoa trên tay và tấm bảng có nội dung "Chào mừng Mộng Cầm về nhà". 

Ngay khi Mộng Cầm bước ra, người dì đã nhận ra và ôm lấy cô cháu gái đã mất tích từ lâu. Mộng Cầm vùi đầu vào vòng tay của dì, để những giọt nước mắt thấm đẫm quần áo.

“Nhiều năm qua, cả nhà không ngừng tìm kiếm con”. Người dì vỗ lưng Mộng Cầm nhẹ giọng nói. Ngay sau đó, Mộng Cầm được đưa đến một khách sạn địa phương. Những người trong gia đình nói với cô rằng mẹ cô đang đợi ở đó.

Việc Mộng Cầm bị bắt cóc cách đây 29 năm đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm trí của người mẹ.

Tại khách sạn, Mộng Cầm cầm bó hoa trên tay, nhẹ nhàng đến bên mẹ, quỳ xuống, nắm chặt tay và cất tiếng gọi "Mẹ ơi" trong nước mắt. Nhưng vẻ mặt của người mẹ rất bình tĩnh, dường như bà không hề nhận ra con gái mình. Cảnh tượng này khiến mọi người có mặt đều đau lòng.

Ông Giang nói với phóng viên rằng, em gái ông là mẹ đơn thân. “Việc Mộng Cầm bị bắt cóc cách đây 29 năm đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm trí của em".

Ông Giang kể, sau khi Mộng Cầm bị bắt cóc, em gái ông đã bỏ nhà ra đi không lời từ biệt. Hơn một năm sau đó, gia đình ông nhận được tin mẹ của Mộng Cầm bị loạn trí, đang sống cảnh lang thang ở Hà Nam. Ông Giang và cha của ông đã tức tốc đi đón.

“Lúc ấy ngoài trời tuyết rơi dày đặc nhưng em gái tôi chỉ mặc chiếc áo sơ mi mỏng, ngủ bên cạnh thùng rác, nhặt thức ăn từ thùng rác để ăn. Nếu chúng tôi đến muộn một hoặc hai ngày, em tôi có thể đã chết cóng ở đó. Chúng tôi yêu cầu em về nhà, nhưng em luôn miệng nói rằng phải đi tìm con gái”, ông bật khóc nhớ lại. 

Hiện tại, sau cuộc gặp gỡ đầy nước mắt vì hạnh phúc, Mộng Cầm đã cùng mẹ và những người họ hàng về thăm quê ở Hành Dương. 

Sau chuyến đi ấy, mặc dù Mộng Cầm không thể về sống với mẹ, cô cũng không thể đón mẹ đến Hà Nam sống với mình vì môi trường xa lạ không có lợi cho việc hồi phục của mẹ nhưng cô nhất định sẽ không để mẹ cô đơn. 

"29 năm trôi qua không thể lấy lại được nhưng 10, 20, 30 năm nữa, tôi sẽ không bao giờ xa mẹ nữa", Mộng Cầm xúc động nói.

Linh Giang (Theo Sohu)