Chuyện tình cô gái Việt ở Triều Tiên và quyết định táo bạo của chàng trai Bỉ
Du học sinh nghèo
Năm 1988, trong giai đoạn đất nước đang đổi mới, Nguyễn Thị Minh Phượng một mình lên đường sang Triều Tiên du học ngành Ngôn ngữ tại trường Đại học Kim Nhật Thành.
Lần đầu tiên rời xa vòng tay gia đình, xa Hà Nội để tới Bình Nhưỡng, cô sinh viên 18 tuổi không hề lo sợ. Minh Phượng nhanh chóng kết thân với bạn học tới từ các nước như Cu Ba, Mông Cổ, Ba Lan…
“Mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, Triều Tiên luôn hiện lên trong tôi như một kỷ niệm đẹp, một đoạn đời đáng nhớ. Thời gian ấy có tất cả sự lãng mạn, bỡ ngỡ, bí ẩn và cả những ngạc nhiên, lạ lùng”, chị Phượng chia sẻ với VietNamNet.
“Khi ấy, mỗi tháng tôi được trợ cấp 10 USD tiền tiêu vặt. Với số tiền ít ỏi, tôi phải chi tiêu thật tằn tiện, tích cóp đề phòng có việc cần. Những ly kem thật to trang trí đầy hoa quả có giá 5 USD cũng trở thành mơ ước”, chị Phượng nhớ lại.
Chuyện tình ngọt ngào trên đất Triều Tiên
Năm 1992, khi đang là sinh viên năm thứ 4, chị Phượng gặp anh Ludo Drijbooms - một doanh nhân người Bỉ. Không có ấn tượng nhiều ngoài hình ảnh một người đàn ông trưởng thành, vui vẻ nên chị Phượng chỉ xã giao như với những bạn bè quốc tế khác.
Nhưng Ludo lại có ấn tượng sâu sắc với cô gái Việt Nam xinh tươi, luôn ân cần chu đáo với tất cả mọi người. Dần dần, bằng sự chân thành, quan tâm chăm sóc và tinh tế, Ludo đã chiếm được cảm tình của cô gái kém mình 10 tuổi.
“Tôi vẫn luôn cho rằng gặp anh là một bước ngoặt trong cuộc đời mình. Anh giống như bản sao của bố tôi ngày xưa. Anh cũng là người mở ra cho tôi một thế giới khác hẳn với những gì tôi đã biết”, chị Phượng nói.
Ludo luôn hài hước, hào sảng và chân thành với người yêu. Anh không để người yêu thiệt thòi so với bạn bè khi phải một mình học tập nơi xứ lạ.
Chị Phượng luôn quan tâm, chăm sóc người yêu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chị cũng luôn rạch ròi trong chuyện tiền bạc, không muốn mang tiếng yêu anh vì tiền. Điều đó khiến Ludo càng thêm yêu chị nhiều hơn.
“Ngày ấy, khi được người khác đối xử tốt, tôi lại cảm giác bất an, tự ti, có khi tự ái. Nếu là một người đàn ông không tinh tế thì có thể đã khiến tôi tổn thương, nhưng sự dí dỏm của Ludo khiến mọi gượng gạo tan biến. Tôi đón nhận lòng tốt của anh với tất cả sự trân trọng”, chị Phượng nhớ lại.
Hai người yêu nhau được một năm thì chị Phượng tốt nghiệp đại học, phải về nước công tác. Khi tiễn chị Phượng ra sân bay, Ludo khóc rất nhiều. Anh hứa sang Việt Nam đón chị trở lại Triều Tiên.
Chị Phượng chỉ dám nghĩ một năm vừa qua là khoảng thời gian tươi đẹp của cả hai. Khi chia xa, Ludo buồn nhưng anh sẽ quên nhanh. Bởi anh có rất nhiều người theo đuổi. Anh sẽ sớm tìm được tình yêu mới, hạnh phúc mới.
Thế nhưng, một ngày mùa đông năm 1993, Ludo đáp chuyến bay đến Nội Bài, tìm tới tận nhà chị Phượng. Anh thuyết phục gia đình để chị quay lại Triều Tiên làm việc cùng mình. Anh còn gác lại công việc bận rộn, ở Việt Nam 2 tháng. Anh quyết tâm chờ tới ngày chị hoàn tất thủ tục rồi cả hai cùng nhau sang Triều Tiên.
“Trước một tình yêu như thế, tôi còn biết làm gì hơn là đáp lại bằng cả trái tim? Tôi biết rằng đây là người mà mình muốn gắn bó suốt đời”, chị Phượng kể, giọng hạnh phúc.
Cú chốt “hạ cánh nơi em”
Vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa cũng như những thăng trầm trong 3 năm yêu nhau, chuyện tình của họ đã có một cái kết đẹp. Hai người đi đăng ký kết hôn vào năm 1995 tại Triều Tiên.
Sau đó, một đám cưới thu hút sự chú ý của nhiều người được tổ chức ở Hà Nội. Từ Bỉ, 30 người thân của Ludo cũng bay sang dự đám cưới của đôi trẻ.
“Đám cưới với người nước ngoài khi đó khá hiếm nên mọi người tò mò tới dự rất đông. Có nhà, cả gia đình đến khiến đám cưới "vỡ trận". Thật may khi đó nhà tôi làm tiệc buffet nên cũng kịp thời xoay xở. Người trong gia đình chịu khó nhường bữa cho khách”, chị Phượng cười kể lại.
Tổ chức đám cưới xong, hai người quay lại Triều Tiên tiếp tục công việc quản lý và chế tác trang sức.
Trở lại Triều Tiên, vợ chồng chị Phượng sống cuộc sống viên mãn, công việc kinh doanh trang sức thuận lợi.
Năm 1997, Ludo đưa vợ về Bỉ sinh con đầu lòng để chị được chăm sóc bởi hệ thống y tế hiện đại, còn anh trở lại Triều Tiên làm việc. Chị Phượng sống với gia đình nhà chồng nhưng vì không biết ngôn ngữ Bỉ, việc mang thai dễ tủi thân nên chị quyết định về Việt Nam sinh con.
Biết tin vợ sẽ về Việt Nam, Ludo rất băn khoăn, lo lắng. Thế nhưng, khi thấy vợ được là chính mình, được sống trong tình yêu thương của gia đình, anh hoàn toàn yên tâm.
Thậm chí Ludo còn có một quyết định quan trọng khiến chị Phượng vô cùng cảm phục. Anh trở lại Triều Tiên, đóng cửa công ty hơn 300 công nhân đang hoạt động để đến sống ở đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Sau hơn 30 năm bên nhau, cuộc sống hôn nhân viên mãn bên chồng và 2 con, chị Phượng đúc rút ra nhiều bài học trong cuộc sống và áp dụng vào công việc của mình.
"Những cung bậc cảm xúc chính là gia vị gắn kết hôn nhân. Khi đã sống qua năm tháng nhiều gian khó, tôi muốn truyền tải tới các con bài học đơn giản: Mọi thứ không nghiễm nhiên mà có. Tình yêu đẹp đều được bắt nguồn từ viên gạch đầu tiên. Hãy chọn đúng gạch, để đúng chỗ và hãy trân trọng điều đó", chị Phượng nói.
Ảnh: Nhân vật cung cấp