Cháu gái gia tộc Samsung khiến mẫu váy lụa của Versace cháy hàng
Cuối tháng 6, những người thuộc giới thượng lưu của Hàn Quốc đều có mặt tại một nhà thờ ở trung tâm Seoul để tham dự đám cưới của thành viên chaebol (tên gọi chung cho những gia đình kiểm soát các tập đoàn lớn của đất nước), theo Korea Expose.
Cô dâu là con gái lớn của Chủ tịch tập đoàn Hyundai Motors Chung Eui Sun. Ngoài các thành viên hàng đầu của gia đình Chung, khách dự hôn lễ còn có Chủ tịch tập đoàn LG Koo Kwang Mo, Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae Won.
Tuy nhiên, người được chú ý nhiều nhất sau đám cưới lại là Lee Won Ju, con gái của "thái tử Samsung" Lee Jae Yong.
Hàng trăm tin bài về Won Ju tràn ngập trên Internet. Hầu hết đều đổ dồn sự chú ý lên trang phục của cháu gái gia tộc Samsung: Một chiếc váy lụa ngắn, màu đen có giá 2.195 USD của thương hiệu Versace. Mẫu váy này đã cháy hàng tại Hàn Quốc.
Luôn cháy hàng
Ngày nay không có gì đáng ngạc nhiên khi một món đồ thời trang nhanh chóng cháy hàng vì được người nổi tiếng trưng diện. Điều đó đúng với công nương như Kate Middleton, người mẫu Instagram như Kylie Jenner lẫn nàng thơ tựa Alexa Chung.
Ở Hàn Quốc, các thành viên của chaebol cũng được coi như người nổi tiếng.
Lim Se Ryung, con gái lớn của gia đình đứng sau tập đoàn Daesang, sở hữu nhiều thương hiệu thực phẩm nổi tiếng bao gồm Chungjungone và Jonggajip, là một trong những thành viên chaebol được truyền thông săn đón như sao hạng A.
Bà là vợ cũ của "thái tử Samsung" Lee Jae Yong và cũng là mẹ của Won Ju. Ngày đầu tiên của năm 2015, trang tin giải trí Dispatch tiết lộ rằng Lim đang hẹn hò với nam diễn viên Lee Jung Jae, diễn viên chính bộ phim truyền hình nổi tiếng Squid Game.
Tất cả những gì Lim mặc đều được bán hết rất nhanh: áo khoác Burberry, túi xách Bottega Veneta...
Mặc dù không có gu thời trang đặc biệt, "thái tử Samsung" Lee Jae Yong cũng từng vô tình thúc đẩy doanh số cho các thương hiệu.
Năm 2014, chiếc áo thun polo của thương hiệu Under Armour được ông diện đã nhanh chóng được bán hết. Năm 2019, Lee gây chú ý khi mặc mẫu áo khoác Firebee AR Parka của Arc'teryx. Chiếc áo màu đỏ có giá 1,37 triệu won vào thời điểm đó, khiến nhiều người khen ngợi "thái tử Samsung" sống giản dị.
"Vô tâm với người yếu thế nhưng đầy lòng trắc ẩn với người nắm quyền"
Dù luôn phát cuồng với những món đồ thời trang của các thành viên chaebol, người Hàn Quốc đôi khi có cảm xúc rất mẫu thuẫn với những gia đình tài phiệt.
Những gia đình đứng sau các tập đoàn lớn thường xuyên bị cáo buộc coi các công ty như tài sản cá nhân, lộng quyền, biển thủ quỹ, chia lợi nhuận cho các thành viên trong gia đình, hối lộ chính khách để có thêm lợi thế...
Một bộ phận người Hàn giận dữ đã công khai chống lại chaebol, đổ lỗi các gia đình tài phiệt tạo ra văn hóa công ty độc hại, kìm hãm sự phát triển của kinh tế đất nước.
Một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống tiền nhiệm Moon Jae In là "đối đầu" với chaebol. Trong bài phát biểu nhậm chức vào ngày 10/5/2017, ông Moon khẳng định: "Tôi sẽ đi đầu trong việc cải tổ các chaebol. Cụm từ 'thông đồng giữa chính trị và kinh doanh' sẽ biến mất hoàn toàn".
Nhưng sau nhiệm kỳ 5 năm của ông Moon, các chaebol gần như vẫn vậy, và sự sùng bái xung quanh những gia đình tài phiệt không có dấu hiệu giảm bớt.
Tháng 1/2021, Lee Jae Yong bị kết tội hối lộ liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị năm 2016-2017. Chỉ hai tháng sau khi được ân xá, tháng 10/2021, "thái tử Samsung" một lần nữa phải hầu tòa vì sử dụng trái phép chất propofol trong nhiều năm.
Tuy nhiên, Lee vẫn nắm quyền điều hành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Tờ Chosun thậm chí cho rằng Lee nên chính thức được ngồi vào vị trí chủ tịch bởi "vai trò ngày càng tăng của Samsung trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về chất bán dẫn, quá trình tái cơ cấu của chuỗi cung ứng và sự thiếu hụt vaccine trong đại dịch Covid-19".
Đều được xem là "nhân vật công chúng" nhưng có thể thấy các thành viên chaebol và những ngôi sao giải trí được đối xử rất khác nhau. Công chúng khắt khe với scandal của giới nghệ sĩ nhưng dễ quên sai sót của người giàu.
Bộ phim truyền hình Hàn Quốc Anna, đang chiếu trên Coupang Play, chế giễu tiêu chuẩn đạo đức kép này ở Hàn Quốc.
Với sự tham gia của nữ diễn viên Bae Suzy, bộ phim kể về câu chuyện của một người phụ nữ xuất thân bình thường đã bước chân vào giới thượng lưu nhờ mạo danh và nói dối.
Khi thấy vợ ngần ngại xuất hiện trước công chúng, chồng của Anna, doanh nhân khởi nghiệp thành công có tham vọng chính trị, nói: "Đất nước này vô tâm với những người yếu thế nhưng đầy lòng trắc ẩn đối với những người nắm quyền".
Cuối tháng 6, Cho Hyun Min (hay Emily Cho), em gái của chủ tịch hiện tại của Tập đoàn Hanjin, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý cấp cao của tập đoàn gia đình. Ngay sau đó, đôi giày cô đi, được bán bởi thương hiệu cao cấp Lanvin, đã trở thành cơn sốt.
Chỉ 4 năm trước, Cho, khi đó là phó chủ tịch cấp cao của Korean Air, bị cáo buộc ném cốc nước vào đại diện của một công ty quảng cáo và phải từ bỏ chức vụ.
Theo Korea Expose, ở một đất nước mà tiền bạc là quyền lực tối thượng, những sai sót về đạo đức của người giàu rất dễ bị lãng quên. Giờ đây, thay vì nói về scandal trước đây của Cho, mọi người quan tâm nhiều hơn đến chiếc váy đắt tiền và đôi giày hiệu.
Theo Zing