Buồng hạnh phúc 2m2 và đêm giao thừa đáng nhớ của vợ chồng ở Hà Nội
Có một cặp vợ chồng trẻ. Trẻ lắm. Họ cưới nhau khi đang cùng là sinh viên năm cuối. Đêm tân hôn anh chồng ngà ngà say leo lên gác xép trước. Cô vợ trẻ cởi bỏ xiêm y của cô dâu ngày cưới, rón rén leo từng bậc cầu thang lên sau.
Thấy anh chồng nằm quay lơ trên “căn buồng hạnh phúc” rộng chừng 2m2 như bất tỉnh, cô vợ lặng lẽ mắc màn, ém màn rồi nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh.
Anh chồng trẻ đâu đã ngủ. Ai ngủ trong khoảnh khắc mang dấu ấn trong đời đó được. Anh hé mắt và cảm nhận. Lần đầu tiên được công khai ngủ chung với người con gái mình yêu trước bao người trong gia đình. Lần đầu tiên có người mắc màn cho mình đỡ bao nhiêu ngại ngùng mỗi khi đi ngủ. Cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong lòng. Rồi họ sống thật hạnh phúc trong không gian chật hẹp thế mà không hề biết là chật hẹp, cho đến khi đứa con trai đầu lòng ra đời. Thằng bé èo ẽo cả đêm nhất là những đêm hè oi nồng. Muốn bế con lên để ru rín cho nó khỏi khóc, nhưng căn gác xép không thể đứng thẳng người. Hai vợ chồng phải thay nhau bế nó nhong nhong ra ngoài đường.
Đêm Hà Nội nơi con phố đầu ô, trước mặt là hồ Tây, sau lưng là sông Hồng. Gió từ hai nơi thổi về làm lao xao những vòm lá của dãy bàng cổ thụ chạy dọc suốt con phố nhỏ. Gió cũng dịu dàng mát rượi ru thằng bé vào giấc ngủ trong nhịp bước thất thểu vì thiếu ngủ của ông bố trẻ. Rồi thật may mắn, họ được cơ quan phân nhà. Chỉ là nửa căn hộ cấp 4 vẻn vẹn 9m2 trong một khu tập thể của một cơ quan khoa học, xung quanh là đầm sen bao bọc. Vậy mà niềm vui cứ náo nức như được bước vào một thế giới rộng lớn và tự do. Vừa dọn về ngôi nhà mới được hôm trước, hôm sau cô vợ đi lao động xuất khẩu. Anh chồng ở lại nhà. Những hôm con ở trên ông bà nội, đêm ngồi một mình, anh bỗng thấy căn nhà chỉ 9m2 rộng thênh thang. Rồi gia đình họ cũng được đoàn tụ tại Đức sau hơn 1 năm xa cách. Cả chồng, cả vợ quần quật làm ngày, làm đêm mong có tiền sớm đổi đời. Được đồng nào chuyển hết về Việt Nam. Việc đầu tiên họ nghĩ đến là xây một ngôi nhà hạnh phúc. Ai thiếu cái gì, họ càng mơ ước và gắng gỏi có được điều đó. Cả vợ, cả chồng vốn là cán bộ của một Viện nghiên cứu khoa học ăn trắng, mặc trơn, sang Đức phải lam lũ đủ nghề chân tay, dậy sớm, thức khuya. Tận 3 năm sau mới kiếm đủ tiền xây nhà. Đập hết căn nhà cấp bốn cũ 9m2 với khoảng sân và cái bếp, diện tích xây dựng vừa chẵn 30m2. Từ nơi đó mọc lên ngôi nhà xinh xắn 3 tầng 1 tum. Được cái nhà đầu hồi, ngõ nhỏ bên phải. Phía trước là khoảng vườn nhiều cây xanh, xe ô tô có thể đi vào tận cửa. Ngôi nhà nhỏ tý chả đáng gì với những người lắm tiền, nhiều của nhưng với họ, đúng là ước mơ bao lâu đã thành hiện thực.
Đêm giao thừa năm đó, hai vợ chồng và cậu con trai nhỏ đã có mặt trong ngôi nhà còn sực nức mùi vôi mới. Bên mâm cơm cúng gia tiên thơm nồng mùi hương trầm, họ thầm cảm ơn tổ tiên, cảm ơn cuộc đời đã đem đến những may mắn đầu tiên khi vật lộn kiếm sống nơi xứ người.
Một ngôi nhà nhỏ đúng như mong ước vậy mà ngay đêm đó chẳng ai bảo ai, cả hai đều nhớ về căn gác xép chật chội và ngôi nhà cấp 4 năm nào.
Hôm mới dọn về căn nhà cấp 4, đúng trước ngày người vợ lên đường đi xuất khẩu, cũng là một đêm mưa gió tơi bời. Ngôi nhà trống hoác chỉ độc cái giường ọp ẹp dành cho 3 người. Mái ngói cũng lệch lạc trơ hoác. Cả đêm vợ hứng thau, chồng hứng xô, cùng căng nilon che cho đứa con ngủ khỏi ướt. Kẻ đầu giường, người cuối giường nhìn nhau trong xót xa, ngậm ngùi. Rồi đêm mưa qua đi, kịp bình minh hửng sáng là cô vợ tất tả lên đường. Cặp vợ chồng trẻ ngày đó giờ đã là những ông già, bà lão và vẫn sống cuộc sống tha hương nơi đất khách. Từ giao thừa năm đó họ cũng chưa ở lại nơi ngôi nhà mà mình xây thêm lấy một lần. Ngôi nhà cho thuê. Năm nào vợ chồng họ cũng thay nhau về thăm quê. Vợ về ở nhà bạn bè, em út. Chồng về thuê khách sạn. Thi thoảng họ có đến, cũng nhìn ngôi nhà từ phía ngoài. Ngôi nhà nhỏ nhưng đặt đúng nơi đất lành nên cũng có giá. Nhưng chưa bao giờ họ nghĩ đến chuyện bán. Vì đó là ngôi nhà kỷ niệm. Có những kỷ niệm còn đáng giá hơn tiền bạc. Chính kỷ niệm đã giữ họ lại bên nhau dù trải qua biết bao sóng gió và vẫn hạnh phúc dù yêu thương tuổi này giờ chỉ còn trong quá khứ. Ở xứ người, nhất là khi heo may, những hàng cây đổ lá vàng xao xác như mùa thu Hà Nội, nghe câu hát “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó”, họ lại nhớ về ngôi nhà nhỏ của mình và rưng rưng mơ ước ngày trở về. Hùng Lý (từ Berlin, Đức)
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |