Bỏ nhà theo anh thợ hồ nghèo, người đẹp khóc nghẹn vì vỡ mộng, sinh con 2 ngày đã tất tả mưu sinh

Chị Mỹ chạy theo tiếng gọi của tình yêu với hy vọng sẽ có được hạnh phúc bên người thương. Nhưng chỉ hai trái tim vàng là không đủ để vượt qua gánh nặng cơm áo.

Anh Phạm Quang Nghĩa (55 tuổi) và chị Dương Thị Mỹ (56 tuổi) đã có 25 năm đồng hành bên nhau, trải qua nhiều sóng gió cuộc đời. Chạm đến những ký ức xưa, chị Mỹ vẫn còn rưng rưng. Hồi đó, họ gặp nhau trong công trường xây dựng, anh Nghĩa là trưởng một tốp thợ hồ, còn chị Mỹ vào xin việc làm dọn dẹp trong đó. 

Khi ông cai thầu nói sắp nhận một người nữ vào công trường, tui cự dữ lắm, kêu ở đây toàn thợ hồ nam, tự nhiên nhận nữ vô làm chi không biết! Vậy mà lần đầu tiên nhìn thấy bả, tui thầm nghĩ, người này đẹp quá, sao biết dọn đẹp được. 

Thế là tui nói bả: Thôi cô khỏi dọn dẹp, cứ đi vòng vòng công trường chơi thôi, để tui chịu trách nhiệm. Rồi tui kêu mấy thằng em làm cùng dọn, chứ để bả làm thì tội nghiệp” - anh Nghĩa dí dỏm kể lại.

Sở dĩ nói thế, là bởi anh đã say mê chị Mỹ từ cái nhìn đầu tiên. Tới khi hết công trình, tình cảm nảy nở, từ quận 7 anh tìm đến nhà chị ở Bình Tân, mong được chị giới thiệu với má. Chị còn nhớ, bữa ấy trời mưa rất lớn. 

Hai người chui vô cái ống cống bự để trốn, mà không dám ngồi gần, ngồi xa xa à. Không dám chạm vào nhau, mỗi đứa một đầu, nhưng hồi hộp dữ lắm, tưởng như nghe rõ nhịp tim của nhau

Khi anh Nghĩa gặp ba má người yêu, không hiểu sao họ không ưng anh. Bên nhà anh cũng không ủng hộ hai người đến với nhau. Anh tức, bỏ nhà đi không về, rồi nỉ non dỗ chị đi cùng anh mướn nhà ở riêng, tạo lập gia đình. 

Anh tới nhà chị, dõng dạc tuyên bố: “Con thương Mỹ, má không chịu con cũng dẫn Mỹ đi”; rồi ngay hôm sau dắt chị đi thuê nhà ở ngay gần nhà ba má chị. Họ đưa nhau ra phường đăng ký kết hôn, thế là thành vợ chồng. 

Trong lòng chị Mỹ vẫn còn lấn cấn chuyện mình lấy chồng nhưng không được mặc áo cưới, cũng không có ra mắt tổ tiên, họ hàng. 

Chị ngậm ngùi: “Hồi đó nói làm đám cưới, mà ổng nói không có tiền, nên mình cũng đành chịu. Tới giờ, mỗi lần nhớ đến ngày về ở với ổng, mình vẫn cứ khóc vì tủi thân”.

Vợ nhẫn nại vượt qua “ác mộng”; chồng tỉnh ngộ sau một lời hứa 

2 năm sau khi kết hôn, họ có con đầu lòng, rồi nhanh chóng có con thứ hai. Khi vợ mang bầu lần hai, anh Nghĩa bỗng dưng thấy nản chí. Nhận ra mình không có gia đình hỗ trợ, không có nhà phải ở thuê, con mọn nheo nhóc, tiền phụ hồ nuôi vợ con không nổi, anh sa đà vào nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, cự cãi với vợ.

Gánh nặng cơm áo đè lên vai chị Mỹ. Chị bật khóc nhớ lại: “Mới sinh con được 2 ngày, từ bệnh viện về mình đã đi làm, tới mức người ta tưởng mình là người mạnh luôn, bê hồ, bẻ sắt chảy máu tay mà không dám kêu.

Xin tiền má thì má đâu có cho, nhỏ em gái lúc nào cho chút đỉnh thì có tiền mua sữa cho con, không thì nấu nước cháo cho thằng nhỏ bú. Mình nhớ mãi hồi đó vô tình gặp bạn, bạn nói: Sao trước mày đẹp vậy mà lấy chồng xong nhìn không ra con người nữa vậy Mỹ. 

Thời điểm đó buồn dữ lắm, cũng tính bỏ ổng đi mất lần mà không được. Nghĩ về với má không được, lôi con đi hai đứa ở bờ ở bụi thì sao nuôi tụi nó, nên cứ ráng. Ba mẹ con hái rau muống ao ra ăn trừ cơm, ổng thì nhậu tối ngày. 

Hồi đó mình khóc miết. Cứ đêm, mình bỏ con ở nhà ra chợ đầu mối Bình Điền mua mười mấy ký cá về đi vòng vòng ngoài đường để bán lại. Đâu có vốn đâu, nên không mua được nhiều, mà năn nỉ mãi người ta mới bán cho. 

Nhà mướn thì chủ cũng dọa đuổi vì không có tiền trả. Ông chồng nhậu dữ quá nên bệnh nặng, vô nhà thương cũng không có tiền trả bác sĩ, mình lại khóc van xin người ta cứu ổng…”.

Capture

Sự kiên cường và bao dung của chị Mỹ đã neo họ lại bên nhau giữa sóng gió

Mãi cho đến khi con lớn của anh chị được 4 tuổi, bà tổ trưởng vào phòng trọ nhắc nhở làm giấy tờ cho con đi mẫu giáo, anh Quang mới giật mình nhận ra mình cần làm trách nhiệm người cha. Anh quyết tâm đoạn tuyệt với quãng đời cũ, bạn bè cũ mà làm lại cuộc đời. 

Anh nhớ lại, có lần dắt con đi học, con đòi mua tượng thạch cao để tô, mà người ta bán đắt, anh xót tiền dắt con chạy vội qua. Lúc đó, anh nảy ra ý tưởng sản xuất ra tượng thạch cao để bán. Đó là khoảng năm 2004 - 2005, anh Quang đi chiếc xe đạp cũ mèm từ Bình Tân đến Bình Dương, học lỏm nghề của các xưởng tượng tại đó.

Hai vợ chồng khi đó dành dụm được 23 ngàn đồng. Anh Nghĩa cầm tiền đi hỏi mua khuôn thạch cao thì được phát giá 10 triệu đồng. Anh suy nghĩ nguyên một đêm rồi quyết tự tay làm khuôn. 

Tui dặn vợ lại xưởng bán keo làm dây thun mua về 2kg keo, giá 11 ngàn/kg. Với 2kg keo, tui làm được 25 cái khuôn đầu tiên, rồi lấy của vợ 15 ngàn tiền bán cá mua 5kg thạch cao về đổ tượng. Mẻ đầu tiên đó, tui nhớ hoài, bán được 200 ngàn, cứ thế xoay vòng làm tiếp”, anh hồi tưởng.