Lo ngại chập cháy điện trong gia đình

Cuộc sống của mỗi gia đình giờ đây không thể thiếu các thiết bị điện. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức đúng và tuân thủ quy tắc sử dụng điện an toàn trong nhà.

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương giúp khách hàng ở Nam Sách thay hệ thống dây dẫn, bảng điện

Trên 50% số vụ cháy do chập điện Dù đã qua gần 2 tháng nhưng chị T.T.H. (sinh năm 1991, ở xã Ngũ Hùng, Thanh Miện) vẫn không thể quên vụ cháy xảy ra tại gia đình mình do chập điện. Khoảng 23 giờ 30 ngày 14.5, chị H. phát hiện cháy ở tầng 1. Do nhà có nhiều hàng hóa nên lửa bén rất nhanh. Trong nhà lúc ấy có chị H. cùng 3 con nhỏ và đều hoảng loạn, không tìm được cách thoát thân. Rất may khi đó Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Thanh Miện trên đường tuần tra phát hiện nhà chị H. bị cháy đã cùng người dân chữa cháy. Các chiến sĩ công an đã leo lên tầng 2 giải cứu thành công 4 mẹ con chị H...   Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ cháy xảy ra do chập cháy thiết bị điện trong nhà. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), hằng năm có khoảng 50-80% số vụ cháy nổ có nguyên nhân do chập điện. Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ cháy thì có đến 25 vụ do sự cố dây dẫn, thiết bị tiêu thụ điện và hệ thống điện, chiếm hơn 71%. Năm 2021, có 18 vụ cháy xảy ra trong toàn tỉnh, trong đó có 16 vụ cháy có nguyên nhân từ việc sử dụng điện, chiếm hơn 88%. Nhiều người dân chưa chú ý đến vấn đề an toàn điện trong gia đình. Có những gia đình vừa ở, vừa kinh doanh hoặc nhiều hộ sử dụng điện nhưng chung một đường dây... Nhiều sự cố điện gây cháy xuất phát từ việc lựa chọn thiết bị điện trôi nổi, không kiểm tra, bảo trì hệ thống điện thường xuyên. Anh Nguyễn Công Hoàng ở phố Nguyễn Đình Bể, phường Tân Bình (TP Hải Dương) đã có bài học đắt giá khi mua đồ điện không an toàn về sử dụng trong nhà. Qua ứng dụng mua hàng trực tuyến, anh Hoàng thấy có người bán nồi cơm điện với giá 250.000 đồng. Khi vào hỏi, anh Hoàng được người này tư vấn đây là hàng nội địa Trung Quốc, đã có rất nhiều người dùng. Cũng đã từng biết tới sản phẩm này nên anh Hoàng không ngần ngại đặt ngay một chiếc về dùng. Một lần, sau khi cắm cơm, anh Hoàng ra ngoài sân ngồi khoảng 10 phút thì nghe tiếng nổ trong nhà. Anh vội vàng chạy vào thì thấy gian bếp khói mù mịt kèm theo mùi cháy khét. Anh Hoàng vội vàng ngắt cầu dao và dùng chậu nước hất vào phía nồi cơm điện. "Rất may khi đó tôi ở nhà nên kịp thời phát hiện và dập lửa, nếu không thì đúng là không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra", anh Hoàng nhớ lại. Sử dụng an toàn Theo anh Nguyễn Trung Hiếu, chuyên viên Phòng An toàn (Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương), thiếu kiến thức sử dụng điện an toàn là một trong những nguyên nhân chính khiến cho sự cố chập cháy do điện trong các gia đình ngày càng tăng. Sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người dùng đã dẫn tới nhiều vụ tai nạn điện gây thiệt hại về tài sản, thậm chí là tính mạng. Một số gia đình thường có thói quen sử dụng nhiều thiết bị có công suất cao cùng một lúc hoặc hệ thống đường dây điện trong nhà đã lâu chưa được cải tạo, sửa chữa và nhiều điểm đấu nối rất sơ sài... Vào mùa nắng nóng, nhiều gia đình sử dụng các thiết bị làm mát công suất lớn, thời gian sử dụng kéo dài dẫn đến quá tải, dây dẫn bị nóng quá mức làm gia tăng nguy cơ chập, cháy. Ngoài ra, người dân thường đặt các thiết bị sử dụng điện có phát nhiệt gần nơi có vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng chung một ổ cắm điện cho nhiều thiết bị điện, không dùng phích cắm mà cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ điện... Chỉ cần một ổ điện nhỏ bị chập cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường.  Vì vậy để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức sử dụng điện an toàn trong nhà. Các gia đình khi xây dựng nhà mới nên nhờ các chuyên gia về điện tư vấn thiết kế hệ thống dây, lắp đặt thiết bị bảo vệ phù hợp với nhu cầu sử dụng điện. Nên sử dụng thiết bị thuộc dòng chống rò rỉ điện cho hệ thống điện trong nhà. Theo anh Nguyễn Trung Hiếu, một nguyên tắc quan trọng để sử dụng điện an toàn chính là người dân nên lựa chọn các thiết bị điện rõ nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Không lắp đặt các thiết bị điện ở những nơi ẩm ướt, ngập nước hoặc để trang thiết bị điện phát nhiệt ở gần đồ vật dễ cháy nổ để phòng tránh các trường hợp chập cháy điện. Các gia đình cần thường xuyên kiểm tra đường dây, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện trong nhà, tạo thói quen ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện...

THANH HOA