Con bị hoảng loạn, nỗi đau tôi nhân lên nghìn lần khi xem clip cháu bị bạn đánh
Chị Kiều Thị Mai (46 tuổi, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là mẹ của em V.V.T.K - nam sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng bị nhóm bạn quây vào tường, hành hung gây phẫn nộ thời gian gần đây.
Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều lần người mẹ này phải dừng lại, nghẹn ngào vì quá đau lòng trước tình hình sức khỏe hiện tại của con trai.
Hình ảnh cắt từ clip.
“Những ngày này tinh thần của con có dấu hiệu trở nặng, ngày đêm tỏ ra hung dữ khác thường. Cả nhà rất sợ khi có lúc con không nhận ra mọi người, con tôi hoảng loạn, liên tục gọi người xung quanh là côn đồ. Là một người mẹ, tôi chỉ muốn chăm chỉ làm việc để con được học hành, có đủ cơm ăn áo mặc, chưa bao giờ nghĩ đến việc con lại bị bạn đánh như vậy”, chị Kiều Thị Mai tâm sự.
Người mẹ này cũng tự trách bản thân vì đã không để ý được hết những biểu hiện của con để phát hiện sớm hơn chuyện con bị bạn đánh hội đồng. Từ lúc bị hành hung, em K. không hề nói với người lớn, em lo sợ bạn sẽ lại đánh thêm. Vợ chồng chị Mai tất tả gánh nặng mưu sinh nên đã không có nhiều thời gian quan tâm đến con.
“Tôi có 3 đứa con, hai chị của K. đang học cao đẳng và đại học nên chi phí để chăm lo cho các con cũng nhiều. Chồng tôi làm phụ hồ, tôi thì chạy bán hàng ngoài chợ. Cả hai vợ chồng lao vào kiếm tiền, lo cho con học nên khá bận bịu. Bây giờ tôi chỉ muốn cháu K. có thể sớm phục hồi sức khỏe thể lực và tinh thần”, chị trải lòng thêm.
Cũng theo lời kể của chị Mai, vào giữa tháng 9 lúc đang đi chợ thì chị nhận được cuộc gọi của con trai. Trong điện thoại, con gào lên kêu đau đầu, không thể chịu được. Lúc này, lòng người mẹ “nóng như lửa đốt”, chị vội vàng trở về nhà thì thấy con đang nằm ôm đầu quằn quại.
Chị vội vã gọi xe ô tô rồi đưa con lên Bệnh viện Bạch Mai khám. Nhưng một ngày sau, vì bệnh viện quá đông nên chị xin chuyển về bệnh viện huyện, K. điều trị tại đây hai ngày rồi được về nhà.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, nhận thấy con có những biểu hiện hoảng loạn nặng, liên tục kêu đau đầu, thậm chí la hét không kiểm soát nên vợ chồng chị lại khăn gói đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Cầm tờ kết quả con bị mắc chứng rối loạn phân ly, chị như chết lặng.
Em K. được chẩn đoán là rối loạn phân ly. Ảnh: PHCC
Theo tìm hiểu của phóng viên, rối loạn phân ly là những rối loạn tâm thần liên quan đến sự mất kết nối và ngắt quãng giữa những suy nghĩ, ký ức, môi trường xung quanh, hành động và đặc tính cá nhân. Những người bị rối loạn phân ly thoát ra khỏi tình trạng này bằng cách không tự chủ, có hại cho sức khỏe và gây ảnh hưởng tới chức năng sống trong cuộc sống hàng ngày.
“Đến lúc đó tôi ngỡ ngàng là con bị bạo hành suốt thời gian qua mà mình không hề hay biết. Tôi không biết phải làm sao khi trong đầu con mặc định mọi người xung quanh đều là người xấu, là côn đồ. Nhiều đêm rồi tôi không sao ngủ nổi vì thương xót cho con”, người mẹ bộc bạch thêm.
Nỗi đau của người mẹ này như nhân lên hàng vạn lần khi có người gửi, chị xem lại đoạn clip con trai bị nhóm bạn học quây vào tường, đánh tới tấp. Chị nhớ lại, có lần con không dám đến trường, còn đi học muộn, cô giáo có gọi điện về nói tình hình cho gia đình. Khi đó, phụ huynh chỉ khuyên con hãy đi học đi mà không tìm hiểu nguyên nhân đằng sau. Cho đến bây giờ, chị thấy hối hận bởi có lẽ con đã rất sợ hãi, né tránh chuyện đến lớp vì bị bắt nạt.
Sau những chuyện đã xảy ra, chị Mai chỉ cầu mong con trai sớm bình phục, trở lại cuộc sống bình thường. Đồng thời, gia đình 8 học sinh tham gia hành hung em K. phải có trách nhiệm trước hành động của con em mình.
“Con tôi bị như thế này là đã qua đau đớn rồi, nhiều người còn đồn đại rằng gia đình các em học sinh kia đền bù cho gia đình tôi 800 triệu đồng. Chuyện này là không có thật. Các gia đình học sinh đánh con tôi có đưa cho gia đình 50 triệu đồng (một lần 20 triệu đồng và lần sau 30 triệu đồng) để chúng tôi đưa con đi viện”, chị Mai khẳng định.
Hiện tại em K. vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Vợ chồng chị Mai đưa K. vào bệnh viện chiều ngày 26/10 sau khi con tiếp tục có những biểu hiện trở nặng, không nhận thức được xung quanh.