Bí quyết không nổi điên với chồng
Giải cứu hai vợ chồng bị vùi lấp do hàng trăm khối đất đá sạt lở vào nhà
Cuộc sống trên sông nước của vợ chồng yêu thiên nhiên
Vợ chồng trẻ lương 30 triệu đồng có nhà riêng, mới chỉ 'đủ sống' ở Hà Nội
"Em vẫn nhớ như in ngày cuối cùng em dừng lại được hành động “phải ném một thứ gì đó” để hả cơn tức giận. Lần ấy, em đã định ném đồ đạc, định hành động điên rồ trong cơn cãi vã với chồng, giống như nhiều lần trước đó. Nhưng em cố gắng đứng yên. Từ đấy, em đã có thể tách mình ra khỏi cơn giận và không còn bộc phát dữ dội. Mình phải tập luyện thôi chị ạ”. Người em nhắn tin, gửi đến tôi nội dung trên.
Tôi tìm đến em khi cuộc sống đang bị những cơn giận thiêu đốt. Tôi trải qua những ngày mà dù chuyện nhỏ cũng có thể khiến tôi bị đẩy sát giới hạn chịu đựng và kíp nổ bị kích hoạt, những người xung quanh đều bị thương.
Chồng đi làm về muộn, tôi nổi điên. Con cái bày bừa và không tự giác giúp mẹ, tôi nổi điên. Chồng nói những lời không đúng ý mình, tôi nổi điên. Chồng thông báo sẽ đi công tác, tôi nổi điên…
Tôi cho mình quyền không phải kìm nén cảm xúc và bắt tất cả mọi người phải hiểu mình, yêu thương, quan tâm đến mình. Khi không đạt được điều ấy, tôi xù lông nhím lên rồi phát nổ. Sau rất nhiều lần như thế, tôi đều hối hận, nhưng mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại. Tôi thấy những người bên cạnh ngày càng xa cách và sợ hãi tôi. Tôi bị con gái ví là “mẹ hổ”. Chồng tôi không còn muốn gần vợ chuyện trò nữa vì theo lời anh thì “bất kỳ chuyện gì em cũng có thể nổi cáu”.
Tôi kiệt sức và mệt mỏi, tôi chán ghét cái cảnh luôn đóng vai nạn nhân. Những ham muốn la hét, đánh đập, ném đồ, chỉ trích, đay nghiến, kể lể… dù được thỏa mãn cũng không cảm thấy dễ chịu mà càng đè nặng khiến tôi khó thở.
Tôi tự hỏi tại sao mình lại luôn xấu xí như vậy khi ở bên người thân, và dồn bao nhiêu điều tốt đẹp và sự tử tế để đối đãi hết với người ngoài? May sao, tin nhắn kia đến vào đúng lúc mà tôi quyết định rằng mình phải khác đi, thấy mọi thứ đã đến giới hạn.
Em còn gợi cho tôi nhớ về một tuổi thơ thường co rúm người lại mỗi khi trong nhà có trận xô xát giữa cha mẹ. Tôi nhớ mình đã sợ hãi đến thế nào khi cha cầm gậy đuổi mẹ giữa đêm, hay những lần bị đánh đòn mà không biết nguyên nhân tại sao, chỉ biết những lằn roi in đỏ trên chân, trên tay…
Cha mẹ ngày xưa thiếu thốn thông tin hơn cha mẹ ngày nay, càng không biết cách thể hiện yêu thương với nhau, với con cái. Vậy nên họ đã vô tình tạo nên những hình mẫu độc hại trong tiềm thức lũ trẻ và điều ấy cứ thế lặp lại ở giữa ngôi nhà của những đứa con.
Còn tôi, tôi được tiếp cận với rất nhiều thông tin và kiến thức để hiểu về gốc rễ của vấn đề, cũng có trong tay những phương pháp để thay đổi nên không thể buông trôi cho cảm xúc tồi tệ. Không có một hôn nhân hạnh phúc nào mà người trong cuộc không phải học cách trưởng thành.
“Mọi sự thay đổi đều phải tính bằng từng năm. Chúng ta không thể đòi hỏi rằng ngay khi lên kế hoạch và quyết tâm là mọi chuyện sẽ có kết quả. Kết quả có khi đơn giản chỉ là biết “mình đã sai, mình sẽ cố gắng ở lần sau” hoặc là giảm bớt đi được vài ngày bùng nổ. Rồi mình sẽ lại sai lầm, nhưng nhất định không được dừng cố gắng. Đừng để con cái mình cũng lại rơi vào một cái vòng luẩn quẩn và học theo sự bất ổn mà cha mẹ tạo nên”, em nói với tôi.
Con đường chuyển hóa sẽ rất dài khi mỗi ngày, chúng ta đều cần phải căng mình trước rất nhiều vấn đề và học cách đối phó và vượt qua từng cơn khủng hoảng. Sẽ có lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và lại hành xử theo cách dễ dàng nhất, đó là nổi giận. Nhưng chỉ cần ý thức được rằng mình cần phải thay đổi, thì số lần nổi giận và mức độ công phá của cơn giận chắc chắn sẽ giảm dần đi, cho đến một lúc chỉ còn là những thước phim chạy ngang đầu.
Hôm nay, tôi có một thước phim như thế trong đầu. Tôi đang đùng đùng nổi giận vì thấy chồng gọi điện nhờ bà ngoại ra trông cháu, dù tôi đã nói với anh là chưa cần thiết. Tôi đã định gào lên rằng anh không tôn trọng ý kiến của tôi, rằng anh không biết hoàn cảnh khó khăn của bà ngoại, rằng không hiểu vợ không muốn làm phiền ông bà… Nhưng rồi tôi chọn dừng lại, đi vào phòng và ngồi xuống giường, trong yên lặng.
Mọi suy diễn, chỉ trích và những lần bị tổn thương trước đây cứ chạy qua như đoạn phim tua nhanh trong suy nghĩ của tôi. Trong vài phút, tôi nóng giận, bực tức và ghét bỏ chồng. Nhưng rồi khi tất cả cảm xúc bừng bừng ấy qua đi, tôi bỗng thấy mình… không ghét chồng được nữa.
Cuối cùng tôi đã tìm ra bí quyết để giữ chân cơn giận của mình (Ảnh minh họa) |
Tôi chợt hiểu rằng, vì anh sắp đi công tác, sợ tôi và con đang bệnh thì vất vả nên anh mới gọi nhờ bà ngoại giúp. Anh cũng không biết rằng bà ngoại muốn vượt khoảng cách 300 cây số đến ở với con cháu thì phải báo trước một tuần mới kịp sắp xếp chuyện chợ búa, lợn gà, ruộng nương.
Tôi cũng nhớ ra, nhiều buổi sáng, dù vội đi làm, anh vẫn gắng dậy sớm đi chợ, mua thức ăn để sẵn trong tủ lạnh, có khi còn mua thêm hoa cho vợ cắm. Tôi thấy mình đã không chịu hiểu anh…
Tôi nhận ra những cơn giận thường khiến chúng ta quên đi rất nhiều điều nhỏ nhặt và cả mục tiêu lớn: Hạnh phúc gia đình. Chỉ khi tách mình ra khỏi cơn giận, chúng ta mới có thể nhìn được mọi sự thấu suốt.
Theo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh