Thơm ngon bánh cuốn Gia Lộc

Ai đã một lần ăn bánh cuốn Gia Lộc chắc hẳn sẽ không thể quên hương vị thơm ngon đặc trưng của món ăn dân dã này.

Bánh cuốn của gia đình bà Đỗ Thị Quyền không chỉ bán ở thị trấn Gia Lộc mà còn có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh

Từ lâu bánh cuốn ở thị trấn Gia Lộc - món ăn dân dã được nhiều người yêu thích, chọn làm quà gửi tặng người thân, bạn bè. Khác biệt trong chế biến Ai đã một lần ăn bánh cuốn Gia Lộc chắc hẳn sẽ không thể quên hương vị thơm ngon đặc trưng do người dân nơi đây chế biến. Bánh cuốn ở đây thường là bánh chay, chỉ đến khi ăn, tùy theo khẩu vị của từng người mà người bán mới rưới một chút hành phi lẫn mỡ lợn vàng ruộm lên trên. Nhiều người lại chỉ thích hương vị nguyên sơ của bánh chay bởi vị mát lành, không bị ngán. Gần 40 năm gắn bó với nghề, bà Đỗ Thị Quyền ở khu cầu Gỗ thuộc như lòng bàn tay cách chế biến thế nào để được một mẻ bánh cuốn thơm ngon. Làm bánh cuốn vốn là nghề gia truyền của gia đình chồng bà Quyền. Khi về làm dâu, bà mới được bố mẹ chồng truyền lại. Để bánh cuốn không lẫn với những người làm trong thị trấn cũng như nơi khác, gia đình bà Quyền cũng có những bí quyết riêng. Bà bảo khâu chọn gạo là quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng mẻ bánh. Khi nấu cơm phải khô, nếu cơm dẻo thì làm bánh sẽ ướt, nát. Trước đây, bà hay làm bằng gạo mộc tuyền nhưng nay bà chuyển sang gạo Q5, kháng mần. Gạo được chà 2 lần cho trắng, sạch trước khi đưa vào ngâm. Sau 2 ngày ngâm, gạo sẽ được đưa ra rửa nhiều lần thật sạch để không còn mùi chua. Nếu còn mùi này thì bánh sẽ không ngon và nhanh bị hỏng. Nước dùng trong làm bánh cuốn đều phải là nước sạch, nếu không bánh làm ra sẽ có màu trắng đục. Gạo được đưa vào máy xay thành bột cho mịn và cho vào máy để tráng. “Từ khi đưa máy móc vào sử dụng, công việc tráng bánh nhẹ nhàng hơn nhiều mà lại sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Quyền cho biết.  Kế tiếp truyền thống của gia đình, đến nay bà Quyền vẫn chỉ làm bánh chay với một màu trắng trong suốt. Đĩa bánh cuốn trắng được trang trí bằng một chút màu vàng của hành và một vài miếng chả xếp xung quanh điểm màu xanh của rau thơm rất bắt mắt, thơm ngon.  Gắn bó với nghề làm bánh cuốn khoảng 40 năm nay, bà Đào Thị Chăm ở khu dân cư số 5 vẫn trung thành với việc tráng bánh bằng tay. Bà Chăm chia sẻ, tráng bằng tay để cảm nhận được rõ hơn độ dày, mỏng của bánh mà điều chỉnh cho phù hợp. Bột xay không được quá loãng hoặc quá đặc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Lửa nấu nồi hấp bánh cũng không được quá to, quá nhỏ bởi nếu quá to thì bánh chín nhanh không kịp lấy ra sẽ bị hỏng, còn lửa nhỏ thì làm lâu. Sự khác biệt khi ăn bánh cuốn của bà Chăm chính là ở cách pha nước chấm. Để nước chấm thơm ngon, bà chỉ dùng nước mắm pha cùng đường và dấm theo một tỷ lệ thích hợp, đặc biệt không dùng mì chính. Loại dấm này được bà mua từ Hà Nội có độ chua vừa phải và thơm mát. Bát nước chấm được bà Chăm trang trí thêm một chút cà rốt hoặc su hào tỉa hoa cẩn thận, hấp dẫn người ăn. Đi nhiều nơi Trung bình mỗi ngày gia đình bà Quyền làm từ 6-7 tạ bánh. Bánh của bà Quyền không chỉ bán ở khu vực thị trấn Gia Lộc mà còn được nhiều người ở Thanh Miện hay tỉnh Hưng Yên sang lấy về bán. Thậm chí, nhiều người đi nước ngoài cũng đến nhà bà Quyền mua bánh mang đi làm quà. Trong quá trình chế biến, dù không sử dụng chất bảo quản nhưng bánh vẫn có thể để được lâu. “Buổi sáng tôi đi bán hàng còn buổi chiều ở nhà làm bánh. Một phần bán cho người dân ăn ngay nhưng cũng có nhiều người mua về để sáng hôm sau bán hàng ăn sáng. Bánh để trong tủ lạnh sẽ bị cứng, ăn không ngon nên cách bảo quản tốt nhất là lựa chọn nơi thoáng mát, che đậy cẩn thận thì có thể để đến hôm sau mà không bị thiu”, bà Quyền chia sẻ. Hầu như những người bán bánh cuốn đều chọn bán vào buổi sáng, phục vụ nhu cầu ăn sáng của khách hàng thì bà Chăm lại chỉ bán buổi chiều. Dù nằm trong con ngõ nhỏ của thị trấn Gia Lộc nhưng quán bánh cuốn của bà Chăm khá đông khách. Ngoài khách quen thường xuyên đến ăn thì cũng có nhiều khách được giới thiệu đến mua để làm quà. Chị Nguyễn Thị Hà (thị trấn Gia Lộc) chia sẻ, chị đã đi ăn bánh cuốn nhiều nơi nhưng vẫn nhớ hương vị đặc trưng của bánh cuốn bà Chăm, nhất là mùi vị nước chấm không lẫn vào đâu được. Nhiều khi chị còn mua bánh về làm bữa chính của gia đình. Hiện nay, bà Quyền và bà Chăm đã truyền nghề cho con cháu để giữ gìn và phát triển hơn nữa nghề truyền thống của gia đình và cũng là món ăn đặc trưng của người dân thị trấn Gia Lộc.

THANH HÀ