Đặc sản bún khô 8 màu ở Cao Bằng 

Bún khô 8 màu, mỗi nguyên liệu tự nhiên cho một màu bún khác nhau, khiến du khách thích thú khi lần đầu chứng kiến.

Cao Bằng không chỉ sở hữu các địa điểm tham quan có cảnh quan đẹp như thác Bản Giốc, núi Thủng, mùa lúa chín Trùng Khánh mà còn có nhiều đặc sản lạ như bún khô 8 màu trứ danh tại xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, cách TP Cao Bằng khoảng 9 km.

Xóm Hồng Quang 2 được sáp nhập từ xóm Hồng Quang 5 và 6 từ năm 2019, có nghề truyền thống làm bún khô. Ấn tượng đầu tiên với du khách đến nơi đây là có hàng trăm sào bún khô rực rỡ sắc màu. "Nghe mọi người bảo xóm bún nơi đây làm bún khô nổi tiếng, mục sở thị hóa ra có đến tám màu khác nhau, thật độc đáo", anh Hà Cương, khách ở TP Cao Bằng đến quay video ngày 21/8, cho biết.

Chị Hoàng Thị Toan, chủ cơ sở bún Thủy Trang, cho biết gia đình có truyền thống làm bún khô từ năm 2009, chủ yếu là bún trắng, sau đó từ năm 2014 thì mở rộng sản xuất, hiện có tất cả là tám màu bún khô đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ăn ngày càng đa dạng của khách hàng.

Cơ sở làm bún khô 8 màu của chị Toan mỗi ngày làm 7 tạ bún. Ảnh: Vũ Khắc Chung

Theo chị Toan, mỗi loại bún khô được chế biến từ một nguyên liệu có màu đặc trưng, ví dụ bún ngô làm nguyên liệu ngô tẻ có màu vàng. Ngoài ra còn có bún làm từ gạo lứt đỏ, lá chùm ngây màu xanh lá, hoa đậu biếc màu xanh trời, lá cẩm màu tím, khoai lang tím, hay quả gấc hoặc bún trộn từ các màu trên.

Ở món bún cẩm, người thợ đun lá cẩm tím, lọc lấy nước rồi trộn với gạo ngâm qua đêm, tiếp đến đem gạo xát thành bột, trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu. Với bún ngô, ngô sau khi phơi khô được đem đi xay nhỏ rồi ngâm qua đêm, tiếp đó đem ngô xát mịn rồi trộn thêm bột gạo, cho vào máy trộn, pha thêm nước.

Các công đoạn kế kiếp khi chế biến các loại bún khô là giống nhau, như đem hỗn hợp bột gạo vừa trộn cho vào máy ép, cắt bó sợi bún đều từ 70 đến 80 cm, phơi lên sào. Công đoạn cuối là ủ bún qua đêm để sợi tơi rồi phơi râm có nắng, gió thông thoáng 3-5 ngày. Tuy nhiên phơi bún phải tránh nắng gắt, nhiều gió nếu không bún sẽ giòn, dễ vụn khi vận chuyển xa.

Bún khô 8 màu chuẩn bị đóng gói. Ảnh: Vũ Khắc Chung

Anh Vũ Khắc Chung, sống tại Cao Bằng, cho biết rất ấn tượng khi lần đầu đến xem và chụp cách làm bún khô 8 màu. Mỗi loại bún có màu sắc hoàn toàn tự nhiên, hỏi chủ cơ sở thì biết bún không sử dụng chất bảo quản, hạn sử dụng 6 tháng kể từ ngày sản xuất, nên khách hàng yên tâm sử dụng.

Bún khô Cao Bằng được làm theo bí quyết gia truyền nên sợi bún khi luộc lên mềm như bún tươi, không gãy, ăn không ngán, có thể chế biến nhiều món như kèm với canh xương, bún xào, bún ốc và ngon nhất là bún trộn với các nguyên liệu hành, giò, rau củ.

Quá trình luộc bún, người sử dụng chú ý ngâm với nước 10 phút, sau đó thả vào nước đun sôi khoảng 5 phút, rồi tắt lửa cho bún đạt độ mềm mong muốn, rửa sạch lại với nước và bắt đầu chế biến các món ăn ưa thích.

Các cơ sở làm bún khô ở xóm Hồng Quang 2 thường có nhiều đoàn khách, nhiếp ảnh gia ghé thăm, chụp ảnh, đặc biệt công đoạn phơi bún trên sào bắt mắt tạo ra nhiều góc ảnh đẹp. Ảnh: Vũ Khắc Chung

Cơ sở bún của chị Toan sử dụng 6 nhân công cho các quy trình sản xuất khoảng 7 tạ bún khô/ngày. Giá các loại bún khô tùy loại khác nhau ví dụ như bún trắng chỉ 20.000 đồng/kg và bún gạo lứt đỏ giá cao nhất 30.000 đồng/kg.

Hiện nay, bún khô 8 màu Cao Bằng với hương vị độc đáo tạo được sức hút riêng, tiếng đồn vang xa với khách hàng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nguồn VNE