Bồi hồi ký ức hàng quán xưa 

BTN - Những hàng quán với tuổi đời hơn nửa thế kỷ trở thành nơi lưu giữ ký ức của nhiều người khi nhắc về Tây Ninh. Để mỗi khi ghé lại nơi đây, nhiều người không khỏi bồi hồi trước hương vị của thời thơ ấu.

Bánh canh bà Ly với 59 năm là một trong những hàng quán lâu đời tại Tây Ninh.

Ở thành phố Tây Ninh, có một hàng bánh canh mà nghe đến tên thôi nhiều người cũng đã cảm thấy bồi hồi. Nằm trên con đường Nguyễn Thái Học tấp nập, quán bánh canh Bà Ly mang dáng vẻ cũ kỹ với mái ngói xưa, trở thành hình ảnh đầy dung dị của một thời mà tô bánh canh chỉ có vài xu.

59 năm gắn bó cùng hàng bánh canh, từ những ngày còn gánh hàng rong đi khắp các con phố, đến giờ bà Ly đã già, mái đầu đã bạc trắng hết theo năm tháng, thế nhưng hương vị bánh canh bà nấu vẫn còn vẹn nguyên, nhất là nước dùng hầm từ xương vô cùng thơm ngon, ngọt vị.

“Bánh canh của bà bán giá bình dân trước giờ, để nhiều người ai cũng có thể ăn. Hồi trước, bà bán hơn 200kg bánh canh mỗi ngày, giờ chỉ khoảng 100kg. Nhiều khách quen ăn ở đây từ nhỏ, rồi tới con cái cũng ghé quán bà ăn”- bà Nguyễn Thị Lụa (hay còn gọi bà Ly) chia sẻ.

Thực khách đến đây không chỉ có mối quen lâu năm mà còn có cả những bạn trẻ, cho thấy hương vị xưa vẫn luôn có sức cuốn hút đặc biệt.

Xe mì bò viên Gia Long nổi tiếng 50 năm tại Tây Ninh.

Đơn sơ, giản dị, hàng quán xưa giống như những mảnh ghép ký ức về Tây Ninh một thời đã qua. Nằm nép mình trong con hẻm, quán mì bò viên Gia Long nhỏ gọn chỉ kê dăm ba cái bàn. Chiếc xe đẩy từ thời bà chủ còn bán rong trên con phố Gia Long là nơi chế biến những tô mì bò viên ngon lành, nức tiếng.

Cô Nguyễn Thị Ngọt- chủ quán mì bò viên Gia Long cho biết: “Món bò viên gia truyền của nhà cô có từ thời ông nội làm nên thương hiệu đến giờ. Khách mối của cô ở nhiều nơi lắm, như Tân Biên hay Bình Dương, họ cũng qua tận đây để thưởng thức”.

Món bò viên ở Tây Ninh có nhiều quán bán, nhưng để có được hương vị vừa dai, vừa giòn, lại đậm vị như bò viên Gia Long thì không mấy quán làm được. Từ 3 giờ sáng, cô Ngọt đã thức dậy để chuẩn bị nguyên liệu thịt tươi làm bò viên. Từng phần thịt đều được cô tỉ mỉ lựa chọn, rồi chế biến, nêm nếm theo công thức riêng. Bò viên và mì ăn cùng nước dùng thơm ngon, hay ăn kèm giò quẩy nhà làm cũng đều rất hợp, để lại hương vị lưu luyến mãi với bất kỳ ai một lần thưởng thức qua.

Hàng quán xưa không chỉ có món ăn, nơi đây còn là góc của những người muốn tìm lại kỷ niệm ngày thơ ấu. Đối với thế hệ 7x hay 8x, kem Bảo Châu là một phần ký ức tươi đẹp, là không gian của những buổi hẹn hò, nơi bắt đầu của những câu chuyện. Nói đến kem Bảo Châu, người ta nghĩ ngay đến món kem chuối truyền thống hay kem ký từng gây “sốt” một thời. Những lát kem đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, mang nhiều hương vị xếp thành tầng chồng lên nhau là món ăn mát lạnh, thơm ngon trong ký ức tuổi thơ của nhiều người.

Bà Tư cô đơn với gần 50 năm bươn chải cùng hàng quán chè.

“Ngày xưa, từ trẻ cho tới già đều ăn kem vì ít món ăn, hiện giờ có nhiều món tráng miệng, hàng quán hơn nhưng mình vẫn bán tốt vì có lượng khách riêng. Kem ở đây không có nhiều topping, chỉ có dừa sợi, đậu phộng, mứt chùm ruột và sữa tươi, là các nguyên liệu truyền thống, tự làm. Người ta thích kem Bảo Châu vì thích hương vị của ly kem ngày xưa”- cô Nguyễn Thái Thuỵ An (tên thường gọi là Bảo Châu) chia sẻ.

Ngày nay, các loại kem mới với nhiều hương vị hơn dần chiếm lĩnh thị trường. Cái mộc mạc, đơn giản và bình dân của kem ký, kem chuối chỉ thu hút những ai hoài cổ, bởi lẽ khi thưởng thức nó không chỉ là hương vị, mà còn cả ký ức, kỷ niệm chất chứa trong đấy.

Câu chuyện về người phụ nữ tảo tần, lam lũ với gánh chè nuôi sống cả gia đình, dáng vẻ của bà làm người ta không khỏi chạnh lòng và đặt cho cái tên chè bà Tư cô đơn. Thế mà cái tên thân thương ấy lại trở thành một thương hiệu chè vang tiếng nhất, nhì tại Tây Ninh.

Không bảng hiệu cũng không bài trí hoành tráng, thế nhưng quán chè bà Tư cô đơn luôn tấp nập khách mỗi tối. Chè ở đây đơn giản chỉ với vài loại như: chè đậu đen, chè đậu xanh hay chuối chưng. Mỗi loại chè đều được bà Tư dồn cả tâm huyết, nấu sao cho vị nước cốt thật thơm, hạt chè phải cho thật bùi. 

Gần 50 năm bươn chải cùng gánh chè, bà Tư cô đơn (bà Lâm Thị Lúp) hiện giờ cũng đã ngoài 70.

Cô Nguyễn Thái Thuỵ An (kem Bảo Châu)- người đưa món kem ký phổ biến ở Tây Ninh.

“Nhiều người nói, sao hương vị chè của bà Tư ăn hoài từ nhỏ đến lớn cũng y chang vậy. Việt kiều về nước cũng tìm đến đây vì nhớ món chè ăn lúc còn nhỏ. Nhiều người còn chúc bà ráng sống đến trăm tuổi để có chè cho họ ăn”- bà Tư tâm sự.

Có những hàng quán xưa bền bỉ theo cùng năm tháng. Và như ký ức chợt ùa về trong một khoảnh khắc nào đó của một người con xa xứ hay những ai muốn tìm lại khoảng không gian cũ, hàng quán xưa vẫn lặng lẽ nằm đấy, minh chứng cho giá trị của dáng hình Tây Ninh xưa không bị lãng quên trong thời buổi hiện đại mà vẫn tiếp tục sống với thời gian.

HOÀ KHANG