Cách kiếm tiền từ cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam
Ngày Sân khấu Việt Nam: Những người nguyện làm kiếp tằm ăn lá nhả tơ
Phạt Ban tổ chức Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 55 triệu đồng
Con gái nghệ sĩ Trần Nhượng xin dừng thi Hoa hậu Hòa Bình Vietnam 2022
Con số gần trăm tỷ đồng để tổ chức một cuộc thi hoa hậu trong nước khiến không ít người thắc mắc về cách thức ban tổ chức huy động nguồn lực tài chính và lợi nhuận mang lại. Vì sao các sân chơi nhan sắc mọc lên như nấm sau mưa dù số tiền bỏ ra không hề nhỏ.
Hơn ai hết, các đơn vị, công ty tổ chức thi hoa hậu là những người hiểu rõ nhất nguồn lợi nhuận khổng lồ từ những đấu trường sắc đẹp. Trên sân khấu của đêm thi chung kết, khi ba cô gái rạng rỡ trong giây phút nhận vương miện thì sau cánh gà, những ông chủ, nhà tổ chức cũng thở phào nhẹ nhõm bởi sự thành công của chương trình giúp họ đạt mục tiêu kinh tế. Thu hút tài trợ của nhãn hàng, doanh nghiệp
Chỉ cần nhìn vào backdrop, banner của một cuộc thi sẽ biết số tiền mà nhà tổ chức kiếm được từ nhãn hàng, doanh nghiệp.
Tùy vào mức độ, quy mô, tính chất và độ nổi tiếng của từng cuộc thi hoa hậu mà số lượng nhà tài trợ rót vốn cho các đơn vị tổ chức. Qua các năm, kinh phí các nhãn hàng, doanh nghiệp chi cho cuộc thi hoa hậu cũng tăng lên.
Một người làm trong lĩnh vực truyền thông hoa hậu tiết lộ thông thường nhà tài trợ kim cương của một cuộc thi hoa hậu uy tín phải chi số tiền trên dưới 10 tỷ đồng, nhà tài trợ vàng cũng có mức chi gần 5 tỷ đồng, nhà tài trợ đồng bỏ ra hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài ra còn danh sách nhà tài trợ vừa và nhỏ bằng hiện kim hoặc hiện vật. Đáng chú ý, ở một số cuộc thi lớn xuất hiện nhà tài trợ độc quyền. Họ có thể chi số tiền gấp đôi nhà tài trợ kim cương với những đòi hỏi như không được cùng thương hiệu, ngành hàng.
Backdrop, banner của một cuộc thi hoa hậu tràn ngập logo của nhà tài trợ. Ảnh: Phương Lâm/Thanh Tâm |
Kể ra để thấy ngay từ đầu, các công ty, đơn vị đã không phải bận tâm quá nhiều về chi phí tổ chức, vận hành một cuộc thi nhan sắc. Bởi, bài toán kinh phí đã được bảo đảm bởi danh sách nhà tài trợ.
Bà Hồng Nhung - thành viên Ban giám khảo Hoa hậu Du lịch thế giới cho biết hiện tại ở Việt Nam có khoảng trên dưới 10 cuộc thi hoa hậu lớn, 20 cuộc thi sắc đẹp nhỏ. Và chính các sân chơi sắc đẹp nhỏ lại mang lại siêu lợi nhuận cho ban tổ chức.
“Các cuộc thi nhỏ không cần phải chi ra số tiền lớn để tổ chức, quản lý thí sinh, marketing, mời ban giám khảo quốc tế... Một cuộc thi lớn có thể bỏ từ 10-100 tỷ đồng trong khi những cuộc thi nhỏ hơn chỉ tầm 3-4 tỷ đồng để vận hành. Vì thế, họ sẽ thu về nhiều hơn các cuộc thi lớn”, bà lý giải.
Các cuộc thi hoa hậu vừa và nhỏ không nhằm mục đích tìm ra đại diện thí sinh Việt Nam dự thi các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Đơn vị tổ chức của những sân chơi này không quan tâm tới chất lượng thí sinh hay người đăng quang. Họ chỉ tập trung vào lợi nhuận sau cuộc thi. Vì thế mới xảy ra những hệ lụy như cô gái đăng quang bị đồn mua giải, cặp đại gia có vợ, khai gian trình độ học vấn...
Tuy nhiên, sự góp mặt của các doanh nghiệp, nhãn hàng cũng khiến các cuộc thi trở thành chương trình quảng cáo dài tập.
Những năm gần đây, chung kết của các cuộc thi hoa hậu không còn đơn thuần là đêm tôn vinh nhan sắc và trao vương miện. Với sự đầu tư lớn về tiền của và sự tham gia của nhiều nhà tài trợ, những đêm chung kết hoa hậu được dàn dựng không khác chương trình giải trí hoặc truyền hình thực tế, đậm tính thương mại.
Kịch bản của một đêm chung kết trở nên lê thê, dài dòng, kéo dài nhiều giờ. Trong đó, ban tổ chức dành một thời lượng dài để tri ân các nhãn hàng, doanh nghiệp. Lợi nhuận từ việc bán vé, quản lý hoa hậu
Ngoài nguồn tài trợ từ các nhãn hàng, doanh nghiệp, đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu còn tăng nguồn thu từ việc bán vé đêm bán kết, chung kết. Để thu hút khán giả, ban tổ chức các cuộc thi lớn thường mời nghệ sĩ hạng A tham gia biểu diễn hoặc hoa hậu nổi tiếng trên thế giới tới dự.
Đơn cử, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 mời Natalie Glebova (Miss Universe 2005), Catriona Gray (Miss Universe 2018), Harnaaz Sandhu (Miss Universe 2021) làm giám khảo quốc tế. Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, nhóm nhạc Da LAB biểu diễn tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam diễn ra tối 25.6 ở TP Hồ Chí Minh. Hoặc tại Hoa hậu Việt Nam 2016, Ban tổ chức đã mời Bi Rain biểu diễn.
Vì thế, giá vé xem đêm bán kết, chung kết hoa hậu tăng dần theo các năm. Ở chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, giá vé niêm yết từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng tùy vị trí. Tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Ban tổ chức công khai giá vé với các mức: Vé VIP 3,5 triệu đồng, Diamond 800.000 đồng.
Lương Thùy Linh, Kiều Loan tham gia nhiều sự kiện của Công ty Sen Vàng. Ảnh: Thanh Tâm |
Ngoài ra, đơn vị tổ chức còn thiết kế khu vực fanzone (giữa lòng sân khấu) để bán vé đặc biệt với mức giá 3 triệu đồng. Khán giả sở hữu vé VVIP này ngoài việc đến theo dõi các đêm thi như trình diễn trang phục dạ hội, người đẹp bản lĩnh… ở vòng ngoài còn được góp mặt tại thảm đỏ đêm thi bán kết và cơ hội nhận móc khóa, áo thun, ly nước từ ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Sau khi một cuộc thi sắc đẹp khép lại, hoa hậu, á hậu trở thành “tài nguyên” của Ban tổ chức. Trong khoảng thời gian đương nhiệm, họ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho đơn vị quản lý.
Tùy vào mức độ phân chia lợi nhuận nhất định giữa hai bên, nhà tổ chức hưởng lợi nhuận lớn từ hợp đồng quảng cáo, dự sự kiện của các người đẹp.
Hiện tại, nhiều công ty đào tạo hoa hậu ở Việt Nam đang manh nha hoạt động dựa theo mô típ của ngành công nghiệp hoa hậu ở nhiều nước trên thế giới.
Những thí sinh sau khi tham gia cuộc thi hoa hậu đã trở thành talent của công ty. Họ được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển lĩnh vực sở trường như MC, ca sĩ… để quay lại phục vụ công ty.
Dẫn chứng, Hoa hậu Lương Thùy Linh, Đỗ Mỹ Linh trở thành MC, Á hậu Kiều Loan góp mặt với vai trò ca sĩ trình diễn trong các chương trình của Công ty Sen Vàng. Đồng thời, các người đẹp này luôn có mặt tại các sự kiện của công ty để tăng thêm mức độ thu hút, nổi tiếng.
Tương tự, một ngày sau đăng quang, top 3 của Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2022 gồm Hoa hậu Nông Thúy Hằng, Á hậu Thạch Thu Thảo và Lương Thị Hoa Đan đã có mặt ở Vũng Tàu để ghi hình, quảng bá cho tập đoàn đứng sau cuộc thi.
Ngoài ra, đơn vị tổ chức cuộc thi trong nước còn có quyền đưa thí sinh dự thi quốc tế và tạo ra một lợi nhuận nhất định. Vì sao nhà tài trợ đổ tiền vào các cuộc thi hoa hậu?
Khi được hỏi về lý do các nhãn hàng, doanh nghiệp chi một số tiền không nhỏ vào các cuộc thi hoa hậu, bà Hồng Nhung cho hay nhà tài trợ hưởng lợi lớn sau khi sân chơi sắc đẹp khép lại.
“Thay vì bỏ ra một số tiền lớn để mời các người nổi tiếng quảng bá thương hiệu, nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng đã không ngần ngại chi tiền tài trợ vào các cuộc thi hoa hậu. Trong quá trình thi, các người đẹp cũng có nhiệm vụ chụp ảnh, quay video PR và gắn hashtag cho sản phẩm của nhà tài trợ trên trang cá nhân. Sau khi đăng quang, hoa hậu, á hậu tiếp tục đồng hành với các nhãn hàng, doanh nghiệp ở nhiều dự án”, bà Hồng Nhung phân tích.
Top 36 thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 tham gia đánh goft. Ảnh: BTC |
Dễ nhận thấy, Ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu lớn trong nước luôn cố gắng lồng ghép những phần thi của thí sinh ở vòng ngoài gắn với nhà tài trợ.
Tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, đơn vị tổ chức tạo ra series chương trình truyền hình thực tế mang tên “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022”. Trong đó, một số phần thi thuyết trình, tranh biện, hô tên… gắn với nhà tài trợ, đối tác chiến lược là mạng xã hội TikTok. Thử thách catwalk, trình diễn… là nơi để Ban tổ chức giới thiệu các nhà tài trợ là nhãn hàng quần áo, giày dép, trang sức. Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam còn dành nguyên một tập với chủ đề "Share your hands", mời lãnh đạo của nhà tài trợ bạch kim - trong vai trò giám khảo.
Xen giữa các phần thi là những buổi chia sẻ về kỹ năng làm đẹp, chăm sóc da, trang điểm… đến từ đại diện các nhà tài trợ vừa và nhỏ.
Hoặc gần nhất, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 tổ chức phần thi đánh golf cho top 38 người đẹp dù bộ môn này không hề liên quan đến kỹ năng cần có của một thí sinh trong cuộc thi hoa hậu.
Ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho biết khi làm việc với các nhà tài trợ, ông và ê-kíp luôn xem doanh nghiệp, nhãn hàng là partner (đối tác) và cố gắng tạo ra những sản phẩm thương mại tốt nhất.
“Để thu hút các nhà tài trợ, bản thân cuộc thi phải uy tín, chuyên nghiệp, chất lượng thí sinh tốt. Trước khi bắt đầu cuộc thi, chúng tôi sẽ ngồi với các nhà tài trợ và bàn bạc rất kỹ. Đối với mỗi nhà tài trợ sẽ có một chủ đề riêng và được sáng tạo nội dung, truyền thông theo hướng khác nhau. Qua từng năm, công ty cũng thay đổi về cách thức làm việc với các nhãn hàng, không rập khuôn hoặc bê nguyên thành công từ công thức cũ”, ông Trần Việt Bảo Hoàng nói.
Theo Zing