Ngày Sân khấu Việt Nam: Những người nguyện làm kiếp tằm ăn lá nhả tơ
Tiết mục văn hóa, nghệ thuật đặc sắc chào mừng Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập (1957-2022) và ngày Sân khấu Việt Nam năm 2022. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đạo diễn Việt Tú tự tay kiểm tra lại từng chi tiết của buổi lễ giỗ Tổ nghề sân khấu mà anh và đồng nghiệp đã dày công chuẩn bị nhiều tháng nay. Mồ hôi rịn ra trên trán nhưng anh không thấy căng thẳng hay áp lực như khi dàn dựng các chương trình khác.
Với Việt Tú và những nghệ sỹ thực hiện chương trình giỗ Tổ nghề (diễn ra ngày 6.9 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô), đây là ngày hội lớn, là ngày trở về với “ngôi đền” và “vị thần” linh thiêng trong tâm hồn mình.
Hân hoan về dự hội nghề
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày giỗ Tổ nghề sân khấu (ngày 12.8 Âm lịch) làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó, ngày này trở thành ngày hội tôn vinh nền sân khấu nước nhà, là dịp để các nghệ sỹ tri ân tiền nhân và giao lưu gặp gỡ, chia sẻ với nhau về hoạt động nghề nghiệp.
Đạo diễn Việt Tú và các đồng nghiệp đã nhiều năm tổ chức nghi lễ thiêng liêng này tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô nhưng năm nay, anh có một cảm xúc rất đặc biệt.
“Năm ngoái, chúng tôi đã rất cố gắng nhưng không thể tổ chức sự kiện vì dịch bệnh. Thời điểm đó, ai cũng buồn vì không biết bao giờ cuộc sống trở lại bình thường. Bởi vậy, hôm nay đứng trước bàn thờ Tổ, thấy anh em nghệ sỹ quây quần bên nhau, tôi vẫn không dám tin là có thể tổ chức sự kiện ý nghĩa này,” Việt Tú xúc động nói.
Đạo diễn Việt Tú tại buổi lễ giỗ Tổ nghề. (Ảnh: VOV)
Càng vui hơn khi dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động sân khấu đang sôi động trở lại, Việt Tú cho hay đây là dịp để các nghệ sỹ tri ân Tổ nghề và các bậc tiền bối cũng như tự nhủ với bản thân phải cống hiến hết mình cho nghề.
“Quanh năm nghệ sỹ bận rộn khắp trong Nam ngoài Bắc, rồi ra nước ngoài. Do đó, giỗ Tổ nghề là dịp để chúng tôi nhìn lại bản thân. Việc duy trì nghi lễ này hàng năm là sự nhắc nhở về truyền thống và là một dịp để chúng tôi bày tỏ tâm nguyện rằng sẽ nỗ lực hơn nữa, cho xứng với danh xưng và vị thế của mình trong xã hội, xứng với sự yêu thương của khán giả,” đạo diễn chia sẻ.
Như thông lệ, sau phần dâng hương, các nghệ sỹ sẽ biểu diễn một số tiết mục nghệ thuật cúng Tổ.
Lần đầu tiên biểu diễn trong chương trình giỗ Tổ, ca sỹ Hà Myo chọn bài hát “Xẩm Hà Nội” - tác phẩm cô tâm đắc nhất cũng góp phần làm nên tên tuổi của nữ ca sỹ.
“Giỗ Tổ nghề luôn là nghi lễ rất quan trọng đối với nghệ sỹ biểu diễn. Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho chương trình. Thời gian qua, chúng tôi không có nhiều cơ hội được biểu diễn trên sân khấu, chính vì thế chương trình là một sự kiện vô cùng đặc biệt đối với tất cả các nghệ sỹ ở mọi thế hệ,” ca sỹ Hà Myo chia sẻ.
Là một nghệ sỹ trẻ, ngày giỗ Tổ mang đến cảm xúc tự hào, phấn chấn, yêu nghề hơn bao giờ hết cho Hà Myo, tạo động lực lớn để cô tiếp tục cố gắng phấn đấu, nghiêm túc làm nghề để góp phần khẳng định vị trí của sân khấu trong nghệ thuật nước nhà.
65 năm sân khấu sáng đèn
Lễ giỗ Tổ nghề năm nay trùng vào dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Đây cũng là dịp các nghệ sỹ nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của nghệ thuật biểu diễn và nâng cao quyết tâm thúc đẩy hoạt động sân khấu ngày một rực rỡ.
Nghệ sỹ nhân dân Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết, từ 379 hội viên lúc mới thành lập, đến nay, hội đã có 2.600 hội viên đang hoạt động ở khắp mọi miền trên cả nước trong các loại hình nghệ thuật: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca kịch, kịch nói, xiếc.
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bà Thúy Mùi cho rằng chặng đường phía trước còn rất dài và có nhiều khó khăn nhưng với những khát khao sáng tạo, cống hiến hết mình của toàn thể nghệ sỹ, sân khấu Việt Nam sẽ vượt qua mọi thách thức, vun bồi lực lượng sáng tạo có tài năng, thu hút đông đảo khán giả, tích cực bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống và đưa các giá trị ấy đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…
“Những người làm nghệ thuật sân khấu nói chung, Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nói riêng vẫn luôn gạn đục khơi trong, vượt qua mọi khó khăn để nhắc nhở thế hệ hôm nay không bao giờ quên lịch sử hào hùng của dân tộc, không bao giờ quên quá khứ bi tráng và sự hy sinh của nhiều thế hệ cha anh thông qua những câu chuyện, những hình tượng nghệ thuật trên sân khấu,” bà Thúy Mùi chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus nhân dịp này, nghệ sỹ ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam bày tỏ sự trăn trở khi nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị “lép vế” trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài.
“Văn hóa thực dụng đang ‘đập phá’ văn hóa truyền thống của chúng ta. Tôi vẫn nhắc các nghệ sỹ trẻ hãy nhớ lời dạy của Bác Hồ, của Tổng Bí thư trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, rằng ‘văn hóa soi đường cho quốc dân đi’ và ‘văn hóa là hồn cốt dân tộc’,” nghệ sỹ ưu tú Lê Chức nói.
Ông nhấn mạnh rằng người nghệ sỹ phải xem mình là con tằm, ăn lá nhưng nhả ra cho đời những sợi tơ vàng.
Sân khấu Việt Nam đã có chặng đường 65 năm phát triển với nhiều thăng trầm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đồng tình với quan điểm đó, thạc sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Đoàn nghệ thuật UNESCO Sen Việt, kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp hội cần quan tâm đến đời sống nghệ sỹ hơn nữa vì thực tế, nhiều nghệ sỹ của các bộ môn nghệ thuật truyền thống có đời sống rất khó khăn.
“Tôi nghĩ Nhà nước đã có những chính sách đặc thù đối với nghệ sỹ, song phải làm sao để đời sống nghệ sỹ cải lương, tuồng, chèo… được nâng cao hơn nữa. Tôi tin rằng nếu làm được như vậy thì họ sẽ có những tác phẩm tốt hơn, dựa trên hồn cốt dân tộc nhưng vẫn bắt nhịp với thời đại. Làm được như vậy thì khán giả sẽ sẵn sàng đón nhận những tác phẩm mới,” ông Hiển nói.
Trước những băn khoăn đó, đạo diễn Việt Tú cho rằng người nghệ sỹ của thời đại mới cần nỗ lực tự thân, không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bởi họ là một mắt xích trong dây chuyền “công nghiệp văn hóa.”
"Đã nói đến công nghiệp văn hóa thì chúng ta phải chấp nhận hòa mình vào sân chơi của nền giải trí khu vực và thế giới. Đây là cơ hội và cũng là một thách thức với các nghệ sỹ Việt. Chúng ta cần đổi mới bản thân mình cho phù hợp với sự phát triển của thời đại để làm ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khán giả," đạo diễn Việt Tú nói.
Theo các nhà nghiên cứu, có rất nhiều giai thoại về ngày giỗ Tổ của ngành sân khấu Việt Nam nhưng giai thoại nào cũng chỉ mang tính ước lệ, rất khó để xác định cụ thể nguồn gốc của ngày giỗ này. Dù vậy, ngày 12/8 Âm lịch vẫn được khẳng định là ngày truyền thống của giới sân khấu Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của nghệ thuật sân khấu, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg, lấy ngày 12.8 Âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam, từ đó đến nay, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu cũng trở thành ngày hội tôn vinh nền sân khấu nước nhà. Hiện nay, ngày 12.8 Âm lịch trở thành ngày hội chung của toàn thể những người tham gia hoạt động biểu diễn. Ngày giỗ Tổ nghề, các nghệ sỹ thường trở về những nhà hát, sân khấu, đoàn thể nơi mình trưởng thành. Những người hoạt động tự do cũng có thể tụ họp, tự tổ chức chương trình riêng. |
Theo Vietnam+