Y tế thông minh chờ thông suốt

Y tế thông minh mang đến hiệu quả trong vận hành, quản lý bệnh viện cũng như chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các bệnh viện tại TP.HCM gặp không ít vấn đề đau đầu trên đường thực hiện mục tiêu này.

Tuần qua, Ban văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã giám sát triển khai đề án y tế thông minh tại 3 bệnh viện lớn của thành phố. 

Y tế thông minh, người dân hưởng lợi

Bệnh viện Nhi đồng 1 là một trong những bệnh viện ở TP.HCM triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm và hoàn toàn tự lực cánh sinh. Mỗi ngày, bệnh viện khám từ 5.000-6.000 lượt, bệnh nhân nội trú trung bình 1.500 ca. Trong mùa cao điểm dịch bệnh, số nội trú có thể tăng đến 1.800 trẻ. 

Trước áp lực này, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, việc vận hành bệnh viện vẫn hiệu quả là nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Nền tảng y tế thông minh tại đây gồm chuyển đổi số và y tế thông minh. Tập trung phát triển hạ tầng số y tế, dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc - liên thông đơn thuốc, các ứng dụng tiện ích người bệnh.

Bác sĩ Minh lấy ví dụ, phần mềm giám sát kê đơn thuốc có thể giúp bác sĩ tránh sai sót khi mỗi ngày phải khám cho gần 90 trẻ. Phần mềm có hệ thống nhắc nhở về chống chỉ định, cảnh báo về tương tác thuốc, tác dụng phụ... để bác sĩ chú ý. Nếu có vấn đề, bác sĩ sẽ được gọi lên để thuyết minh, giải thích. 

Ứng dụng công nghệ thông tin có thể giảm bớt công việc hành chính cho nhân viên y tế.

Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP và là trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất phía Nam. Năm 2019, bệnh viện đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào hoạt động, tạo ra bước ngoặt trong cứu sống người bệnh đột quỵ. 

Dựa trên phần mềm RAPID, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vị trí mạch máu tắc, định lượng vùng não chết và vùng não cần cứu chữa - tái thông sớm. Từ đó, chỉ định có thể can thiệp cho bệnh nhân hay không. Thay vì trước đây, bệnh nhân đột quỵ não đến sau 6 giờ (giờ vàng) sẽ không can thiệp, đối mặt với nguy cơ tàn phế.

Kết quả, hơn 1.000 ca đột quỵ não đến sau 6 giờ được cứu nhờ RAPID tại Bệnh viện Nhân dân 115. 

Hai ví dụ trên cho thấy, y tế thông minh mang đến sự chuyên nghiệp cho quản lý, hoạt động của bệnh viện và tác động lên cả sự sống, sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, để hướng đến y tế thực sự thông minh lại rất nhiều trắc trở. 

Bệnh viện nào cũng gặp khó

Về nhân sự, các bệnh viện được giám sát đều cho rằng, thu nhập của kỹ sư công nghệ thông tin bên ngoài rất cao còn ở bệnh viện phải theo quy định nhà nước. Giữ chân nhân sự là vấn đề rất đau đầu.

“Sinh viên công nghệ thông tin ra trường năm đầu tiên, lương 500 USD/tháng, kinh nghiệm từ 2 năm trở lên sẽ ở mức 1.500 - 2.000 USD/tháng. Vì thế, bệnh viện chỉ xây dựng đội ngũ cốt lõi”, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 nói. Đội ngũ cốt lõi này hiện chỉ có 12 người, quản lý 700 máy tính.

Phần mềm RAPID đã cứu hơn 1.000 bệnh nhân đột quỵ đến muộn tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại Bệnh viện Nhân dân 115, phần mềm trí tuệ RAPID cũng đối diện với chuyện cơ chế. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, khi biết đến phần mềm RAPID, bệnh viện đã ngay lập tức tìm hiểu và muốn đưa về áp dụng.

“Chúng tôi đã mày mò và trực tiếp giám đốc bệnh viện đi kiếm nguồn. Mặc dù năm 2018 chúng ta đã biết RAPID nhưng cơ chế để có phần mềm này không hề dễ. Phải mất khoảng hơn nửa năm và thông qua giám đốc đi ngoại giao mới có, vào năm 2019”, ông nói. 

Bệnh viện Hùng Vương, cơ sở y tế hiện đại thuộc top đầu TP, cũng không tránh khỏi khó khăn chung. PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện cho hay, dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và WiFi cho bệnh viện đến nay vẫn chưa hoàn thành. 

Theo đó, bệnh viện đeo bám 3 năm trời nhưng chưa làm được do vướng nhiều yếu tố. Ví dụ, khi lập dự án gửi Sở Khoa học công nghệ, Sở Kế hoạch đầu tư, UBND TP và đến khi nhận được quyết định cho phép thực hiện, các máy móc công nghệ đã lỗi thời. Nếu quay trở lại xin điều chỉnh, sẽ lại chậm trễ thêm và rơi vào vòng luẩn quẩn.

Bác sĩ Tuyết khẳng định, công nghệ thông tin là là một ngành phát triển rất nhanh, nếu cứ đầu tư cho những công nghệ, máy móc lỗi thời sẽ gây lãng phí. “Chúng tôi nhận diện đây là vấn đề quan trọng, nhưng bế tắc ở điểm này”, bà nói. 

Các bệnh viện đã có những đề xuất kiến nghị cụ thể với đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân TP.HCM để gỡ khó và hoàn thiện cho mục tiêu y tế thông minh. Trong đó, tập trung vào chính sách thu hút nhân lực, tính đúng và đủ cơ cấu giá viện phí (gồm chi phí cho công nghệ thông tin), ngân sách chi cho đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với công nghệ thông tin cần rõ ràng, chi tiết giúp bệnh viện dễ thực hiện, tránh vi phạm pháp luật. Định hướng chung phần mềm quản lý để có sự thống nhất, thuận tiện cho việc kết nối, trao đổi thông tin.