Vụ nổ lớn ở Đắk Lắk: Thêm một trẻ qua cơn nguy kịch
Vụ nổ lớn do pháo tự chế tại Đắk Lắk diễn ra vào ngày 25/12 đã khiến 2 trẻ nhỏ tử vong. Hai em còn lại được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, em N.M.T (12 tuổi) được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
Tại đây, chiều 26/12, bệnh nhi được các bác sĩ tầm soát thương tổn, phẫu thuật cắt lọc vết thương, lấy dị vật, khâu vết thương và điều trị bỏng mắt. Tối cùng ngày, nguồn tin từ bệnh viện xác nhận, trẻ đã qua cơn nguy kịch.
Theo thông tin từ gia đình, em T. và nhóm bạn gần nhà đã tự đặt mua nguyên liệu trên mạng để chế tạo pháo. Pháo nổ khiến hai em trong nhóm tử vong. Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk bước đầu cũng xác nhận nguyên nhân này. Trong quá trình tự chế tạo pháo, một em dùng quẹt đốt phần thuốc nổ rơi vãi ra ngoài, không ngờ lan đến khu vực trộn thuốc, gây ra tiếng nổ lớn.
Hiện tại, một trẻ 9 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đa chấn thương, bỏng độ 1, 2 ở cẳng bàn chân, mặt bị thương và xây xát nhiều vùng cơ thể.
Liên quan đến tai nạn pháo nổ, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận nhiều nạn nhân trong thời gian qua. Các em có điểm chung là muốn khám phá, tự mua nguyên liệu trên mạng xã hội, tìm các video hướng dẫn để tự chế pháo.
Trong đó, một thiếu niên 15 tuổi (ngụ Bình Thuận) bị mất 3 ngón tay phải và bị thương nặng ở lòng bàn tay sau khi tự học chế pháo. Một thiếu niên 14 tuổi (ngụ Bình Phước) đã bỏ lưu huỳnh vào máy xay sinh tố, máy bị cháy khiến em bỏng nặng. Mặc dù được điều trị, các nạn nhân vẫn phải chịu di chứng suốt đời.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hiền, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, gia đình và nhà trường cần quan tâm và tăng cường giáo dục hơn nữa để trẻ nhận thức được hành vi tự chế pháo là vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, hành vi này đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh.
Tai nạn do pháo nổ đặc biệt tăng cao vào dịp cận Tết. Theo số liệu của Bộ Y tế, trong đợt nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần, cả nước có 316 trường hợp khám, cấp cứu vì tai nạn pháo nổ, 34 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác.