Vụ nghi ngộ độc sau uống sữa bột: Nhận định có 5 loại chất kịch độc
Ngày 20-10, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thông tin về quá trình điều trị cho bệnh nhân (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) nghi ngộ độc sau uống sữa bột.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết khi nhập khoa Bệnh nhiệt đới của BV Chợ Rẫy, bệnh nhân hôn mê sâu mức độ 3, suy hô hấp phải thở máy, mạch nhanh, huyết động không ổn định.
Các BS thống nhất bệnh nhân sau tiếp xúc sữa bột (chưa biết nguồn gốc) biến chuyển cực kỳ nhanh trong vòng 15 phút, dẫn tới tình trạng ngộ độc cấp.
BS Hùng chia sẻ, lúc này BV cũng nhận thông tin từ địa phương rằng trước đó em ruột và mẹ ruột của bệnh nhân tử vong nghi do ngộ độc sau uống sữa bột. BS nhận định khả năng đây là chùm ca ngộ độc cấp.
TS-BS Lê Quốc Hùng (trái), Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
“Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi: Đây là độc chất gì mà xảy ra ngộ độc rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút đổ lại sau khi các người bệnh tiếp xúc?
Chúng tôi nhận định chất độc này có mức độ độc cực kỳ cao. Đây phải là chất không mùi, không vị nên khi ở trong bột sữa mà người dùng không cảm nhận được sự bất thường của sữa. Chất này có thể tìm được trên thị trường hoặc là sản phẩm do một loại vi sinh vật nào đó nằm trong sữa tạo ra” - BS Hùng nói.
Từ những suy luận này, các BS suy nghĩ đến một số độc chất, xếp theo tỉ lệ khả năng từ cao đến thấp là xyanua, các nhóm thuốc trừ sâu, arsenic, strychnine và botulinum.
Tất cả chất này đều kịch độc, gây nên những ca tử vong rất nhanh sau khi tiếp xúc, ở nhiều dạng khác nhau nhưng dạng đặc biệt chung là bột trắng, không màu, không mùi, không vị.
BV đã lấy các mẫu bệnh phẩm có liên quan như dịch dạ dày, phân, nước tiểu, máu,… để làm xét nghiệm tìm độc chất. Dựa vào triệu chứng lâm sàng, diễn tiến bệnh để xếp loại các chất độc và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
“Đôi khi có những chất không thể xét nghiệm được, tùy thuộc vào số lượng mẫu và thời điểm lấy mẫu. Các kết quả BV yêu cầu xét nghiệm hiện nay đều âm tính, chưa tìm ra được độc chất gây ngộ độc cho bệnh nhân” - BS Trưởng khoa chia sẻ.
BS này cho biết thêm, công an Tiền Giang đã vào cuộc lấy mẫu bệnh phẩm như sữa, dịch dạ dày, giải phẫu tử thi để xác định độc chất. Hiện phải chờ kết quả chính xác, kết luận chính thức từ công an điều tra.
Hiện sức khỏe bệnh nhân bị ngộ độc hoàn toàn ổn định, đã được xuất viện. Ảnh: BVCC
BS Hùng cho biết thêm, đây là trường hợp ngộ độc cấp trầm trọng trên bệnh nhân xơ gan, tăng huyết áp, khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tiên lượng khả năng tử vong cao.
BS điều trị thở máy, truyền dịch, ổn định huyết áp, lọc máu kết hợp hai màng lọc,... với mục tiêu vừa lấy độc chất trong sữa và lấy chất độc trong quá trình chuyển hóa trên bệnh nhân tổn thương đa tạng nhanh, phức tạp.
“Với các biện pháp này, trong vài giờ đầu, bệnh nhân có đáp ứng và cải thiện bước đầu cho thấy đây là hướng điều trị đúng” - BS Hùng nhận định.
Sau 5 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã được loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Xét nghiệm gan không trở về bình thường vì bệnh nhân có bệnh nền xơ gan. Ngày 20-10, bệnh nhân được xuất viện, có thể trở lại cuộc sống gần như bình thường.
Theo BV Chợ Rẫy, chi phí điều trị ngoài danh mục BHYT của bệnh nhân sẽ được mạnh thường quân hỗ trợ 100%. Tiền tạm ứng của bệnh nhân trong quá trình điều trị sẽ được BV hoàn trả lại toàn bộ.