Ứng phó bệnh truyền nhiễm khi trẻ vào năm học 

Thời tiết khu vực phía Nam đang thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhất là khi học sinh chính thức bước vào năm học mới.

Gia tăng ca nhập viện

Từ ngày 25-8, chị N.T.Q. (ngụ phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) phải liên tục ra vào Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) để chăm 2 con bị nhiễm trùng đường ruột. Chị Q. kể, sau khi 2 con ăn bánh mì mua ở cửa tiệm gần nhà, 1 giờ sau thì xuất hiện dấu hiệu đau bụng, nôn ói…

Nghi ngờ con bị ngộ độc thực phẩm nên chị đưa con đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị lồng ruột và chuyển cấp cứu qua Bệnh viện Nhi đồng 2. “Do vẫn còn nóng sốt, vã mồ hôi nên bác sĩ nói cần cho con nằm theo dõi đến qua lễ, khi ổn định sẽ cho các con về”, chị Q. cho biết.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM thăm khám cho trẻ mắc các bệnh lý về tiêu hóa. Ảnh: MINH THẢO

Tương tự, những ngày qua, thay vì đưa con đến trường, chị L.H.T.T. (ngụ quận Tân Phú) phải cùng con trai (9 tuổi) cách ly, điều trị tại Khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) do con chị vừa mắc Covid-19, vừa mắc bệnh về đường tiêu hóa.

Ngồi phòng bên, chị T. bồn chồn lo lắng mỗi khi con nóng sốt. Trước đó, chị và con trai bị đau họng, sốt. Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho thấy, cả 2 mẹ con đều dương tính với Covid-19 nên phải cách ly, theo dõi tại nhà. Vài ngày sau, con chị T. sốt tăng dần, tiêu chảy rồi co giật, nên hai mẹ con nhập viện điều trị.

TS-BS Hà Văn Thiệu, quyền Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, thời gian gần đây, số trẻ nhập viện vì bệnh viêm dạ dày ruột cấp do virus và do ngộ độc thức ăn có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, số ca viêm dạ dày ruột cấp tăng so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25%-40% tổng số ca nhập viện.

Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3-10 bệnh nhi trong tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa; thậm chí có những ca nặng, nôn ra máu, mệt lả. Hiện số bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa, chờ nội soi là trên 20 ca.

Tuyến bệnh viện quận, huyện và TP Thủ Đức cũng ghi nhận số trẻ em điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa, viêm não Nhật Bản tăng gần 20% từ sau ngày 22-8 (ngày học sinh TPHCM tựu trường). BS-CKII Võ Thanh Hùng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thông tin, các ngày trong tuần, có khoảng 15-30 lượt trẻ tới khám bệnh tại khu khám bệnh truyền nhiễm và Khoa Nhi với các triệu chứng hô hấp, tiêu hóa…

Phòng ngừa, xử lý sớm

Theo TS-BS Hà Văn Thiệu, đối với tình trạng rối loạn tiêu hóa, phương thức lây truyền là qua đường thức ăn, nước uống. Thời tiết nắng mưa như hiện nay khiến thức ăn nhanh bị ôi thiu. Nếu nhà trường, phụ huynh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hàng ngày cho trẻ tốt, hoặc thức ăn chế biến không hợp vệ sinh thì đây có thể là nguồn lây chính cho nhóm bệnh tiêu hóa.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như nôn ói, tiêu chảy, mất nước, đặc biệt có sốt kèm theo mất nước nặng, cần phải bù nước cho trẻ bằng cách sử dụng dung dịch oresol (một gói pha 200ml nước). Trường hợp trẻ có những biểu hiện như không uống được, tiêu chảy ra máu, nôn nhiều lần, kích thích, vật vã, không nô đùa, lơ mơ; thậm chí khi trẻ có dấu hiệu khóc không có nước mắt, môi khô…, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ và có hướng điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nặng.

Bên cạnh đó, TS-BS-CKII Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cho biết, ngoài Covid-19, sốt xuất huyết, phụ huynh cần cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản do bệnh lý này thường bùng phát và kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.

Các triệu chứng bệnh lý của căn bệnh này rất dễ làm phụ huynh lầm tưởng con cảm sốt; và trong môi trường học tập, trẻ dễ bị lây nhiễm. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ em (25%-35%).

Do đó, “thời gian vàng” để điều trị cũng như hạn chế di chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc bệnh là 2 ngày kể từ khi nhiễm virus. Phụ huynh khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều, li bì…, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các chuyên gia vệ sinh dịch tễ cũng khuyến cáo: Giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học và vệ sinh cá nhân là điều kiện rất quan trọng để giúp phòng ngừa dịch bệnh. Khu vực tổ chức bán trú cho trẻ phải tăng cường nhân viên để lau dọn, rửa sạch, phơi khô chén, đũa và thường xuyên lau dọn các bề mặt bàn ghế bằng xà phòng. Phải bố trí chỗ ngồi của trẻ hợp lý, đảm bảo khoảng cách phù hợp giữa cô và trò, và giữa trò với trò. Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, như khuyến khích trẻ uống đủ nước và giữ ấm cơ thể, kết hợp với bổ sung dưỡng chất cho hệ miễn dịch của trẻ.

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 1, lưu ý, ngày 5-9-2022, hơn 1 triệu học sinh TPHCM chính thức bước vào năm học mới. Để tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo an toàn, mạnh khỏe khi trẻ đi học, phụ huynh cần kết hợp nhiều biện pháp bảo vệ và phòng ngừa nhiễm bệnh từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong đó, tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất, hiệu quả để phòng chống dịch Covid-19, viêm não Nhật Bản, cúm mùa…

Nguồn SGGPO