Tỷ số chênh lệch giới tính vẫn ở mức báo động
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Khoa sản- Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Tây Ninh là một trong nhóm các địa phương có nguy cơ cao chênh lệch về tỷ số giới tính khi sinh. Theo chỉ số trung bình từ 103-105 bé trai/100 bé gái, Tây Ninh chạm ngưỡng 107,52, tăng 0,78 điểm % so với năm 2021, không đạt chỉ tiêu kế hoạch ≤107 bé trai/100 bé gái. Tâm lý chuộng con trai hơn con gái và những định kiến giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính. Vì vậy, để thực hiện cải thiện tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cần có thời gian, lộ trình và sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, địa phương cùng chính người dân.
Thống kê năm 2022, tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh đạt 5,98% (giảm 1,6 điểm %o so với năm 2021). Tỷ suất sinh thô 10,12%o, tăng 0,12 điểm%o, không đạt kế hoạch năm 2022. Trong 12.501 bà mẹ mang thai, có 8.765 người thực hiện sàng lọc trước sinh (đạt 70,11%), vượt chỉ tiêu kế hoạch 61% năm 2022.
Tổng dân số tỉnh Tây Ninh năm 2022 có 1,315 triệu người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,63%. Tây Ninh là tỉnh có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế, nằm trong top 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp. Do đó, mục tiêu chung của tỉnh là phấn đấu từng bước nâng mức sinh lên đạt mức sinh thay thế và duy trì vững chắc trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Để đạt được mục tiêu trên, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, tuyên truyền chuyển hướng chính sách quy mô dân số từ tập trung vào nỗ lực giảm sinh sang nâng mức sinh lên và duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn tỉnh. Vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt. Nhận thức người dân về sinh đủ 2 con có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Đồng thời, thực hiện tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho vị thành niên - thành niên, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục và sử dụng biện pháp tránh thai, giảm thiểu tình trạng có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn trong độ tuổi vị thành niên - thanh niên, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khoẻ trước kết hôn chỉ đạt 15,42% (1.384/8.978 người, không đạt chỉ tiêu kế hoạch tăng 10%o so năm 2021).
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn tại cộng đồng, đặc biệt chú trọng truyền thông qua mạng xã hội về thực trạng giải pháp chống “mất cân bằng giới tính khi sinh”, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, tư vấn và khám sức khoẻ trước kết hôn, đồng thời tăng cường tuyên truyền về thích ứng với già hoá dân số trong tình hình mới.
Những năm qua, Tây Ninh đã có nhiều biện pháp và hoạt động nhằm cải thiện tỷ số giới tính khi sinh. Để nâng cao chất lượng dân số, hoạt động chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân luôn được ngành dân số tỉnh triển khai với nhiều hình thức, đa dạng hoạt động, phân loại đối tượng và lứa tuổi cụ thể để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi, phát triển thể chất và tầm vóc người Việt Nam.
Tâm Giang