Tưởng mắc bệnh sùi mào gà, hóa ra bệnh hiếm cả thế giới mới có 100 ca
Theo đó, người phụ nữ 57 tuổi xuất hiện nhiều vết sần sùi, sang thương ở môi lớn vùng kín. Quá lo lắng, chị đến khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán sùi mào gà. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Khai thác thông tin, chị cho biết từng mắc ung thư cổ tử cung, đã phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung và nạo hạch hai bên. Qua thăm khám, bác sĩ thấy vùng âm hộ có nhiều mụn nước giả, gom lại giống mảng sùi đối xứng 2 bên môi lớn.
Một trường khác 58 tuổi cũng có bệnh cảnh tương tự. Chị đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám vì vùng kín nhiều mụn nước đến mức phải dùng gạc để chèn ép. Tình trạng này bắt đầu cách đây 2 năm. Bệnh nhân có tiền căn đái tháo đường typ 2 đang điều trị ổn, kèm theo bệnh lý tăng huyết áp.
Chị được thực hiện sinh thiết, nhận thấy trong mô bì có các mạch máu và mạch bạch huyết kích thước khác nhau, xen kẽ là các tế bào viêm mạn tính, kèm tăng sinh mô sợi.
Kết quả sinh thiết của 2 người phụ nữ cho thấy họ đều mắc bệnh u bạch huyết ở âm hộ, rất hiếm gặp.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, u mạch hạch là một dị dạng hệ bạch huyết bẩm sinh, thường liên quan đến da và mô dưới da. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở trẻ em.
Trong đó, u bạch huyết thường xuất hiện ở phần gần của chi, thân mình, nách, ổ miệng, hiếm gặp ở âm hộ. “Y văn thế giới ghi nhận có khoảng dưới 100 ca được báo cáo bệnh u bạch huyết ở âm hộ”, bác sĩ Thơ nói.
Theo bác sĩ Thơ, nguyên nhân chính xác của bệnh lý này vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu cho rằng có thể do tắc nghẽn mới khởi phát của các mạch bạch huyết đã phát triển bình thường trước đó, cản trở sự lưu thông. Về lâm sàng, bệnh thay đổi từ mụn nước giả đến nốt sần hoặc tổn thương giống mụn cơm.
Ngoài những lo ngại về thẩm mỹ, bệnh u bạch huyết ở âm hộ có thể gây biến chứng sưng và đau âm hộ, viêm mô tế bào tái phát và rối loạn chức năng tâm lý tình dục.
Hiện y học vẫn chưa có phương pháp điều trị nào tối ưu và bệnh dễ tái phát. Các lựa chọn điều trị khác bao gồm xạ trị, áp lạnh, xạ trị bề mặt, laser nhuộm xung, ánh sáng xung cường độ cao và đốt điện.