Từng mắc ung thư dạ dày, người đàn ông lại phát hiện K đại tràng

Người đàn ông 47 tuổi từng phát hiện ung thư dạ dày 5 năm trước. Gần đây, sau ca phẫu thuật tắc ruột, các bác sĩ lại phát hiện anh mắc ung thư đại tràng ở 2 vị trí hiếm gặp.

Khi phát hiện ung thư dạ dày 5 năm trước, bệnh nhân từng phẫu thuật cắt gần toàn bộ dạ dày, nạo vét hạch và điều trị hoá chất bổ trợ 8 chu kỳ ổn định. Tháng 11/2022, anh có tình trạng tắc ruột cấp cứu do u đại tràng, được phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) nội soi đại tràng và dạ dày cho anh, phát hiện ung thư đại tràng ở 2 vị trí (đại tràng góc gan và ung thư đại tràng trái) hiếm gặp. Người bệnh được hội chẩn điều trị với phác đồ hoá chất tiền phẫu.

Sau 3 chu kỳ, bác sĩ đánh giá khối u đại tràng đáp ứng một phần, chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ đại tràng, nạo vét hạch. Sau 9 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định, được xuất viện.

Người đàn ông mắc ung thư đại tràng đồng thời tại 2 vị trí. Ảnh: BVCC

Thạc sĩ Phạm Đức Tuấn, Khoa Phẫu trị - Xạ trị và Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, nhận định người bệnh này khá đặc biệt vì mắc ung thư đại tràng đồng thời ở 2 vị trí trên tiền sử ung thư dạ dày đã điều trị ổn định.

"Thông thường, hầu hết trường hợp ung thư đại trực tràng chỉ đơn độc ở một vị trí như manh tràng, đại tràng phải, đại tràng ngang, đại tràng sigma hoặc trực tràng", bác sĩ Tuấn cho hay.

Phẫu thuật ung thư đại tràng cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Tại Việt Nam, ung thư đại tràng là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến nhất. Nghiên cứu tại Bệnh viện K Trung ương cho thấy ung thư đại tràng thường xuất hiện ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa với nhiều trường hợp chỉ 18-20 tuổi.

Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn.

Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột.

Chán ăn, khó tiêu, đầy bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.

Khi có dấu hiệu đau quặn bụng, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài... rất có thể đó là dấu hiệu ung thư đại tràng.

Ngoài ra, giảm cân bất thường không phải do tập luyện hay ăn kiêng rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.

Kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng rất có thể do một vật cản giống như một khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác.