Trẻ nguy kịch, suy thận nặng do bố mẹ tự điều trị bằng thuốc nam

Người thân tự ý cho trẻ dùng thuốc nam thay cho phác đồ điều trị của các bác sĩ, khiến trẻ rơi vào tình trạng suy thận nặng.

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi thận hư, phù cơ thể tăng đến 8kg do gia đình tự ý sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm tính mạng.

Cụ thể, ngày 4/12 vừa qua, bé trai T.X.H (6 tuổi, Hà Nội) vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng phù nề ở vùng chân và mặt, có nguy cơ quá tải dịch. 

Suốt 2 tháng trước đó, gia đình không cho trẻ đi khám khi trẻ có biểu hiện sưng phù mắt, tay, chân và tự ý điều trị bằng thuốc nam, châm cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng. 

Bệnh nhi mắc hội chứng thận hư đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương 

Bệnh tình của trẻ không thuyên giảm và ngày một nặng hơn, trẻ mệt mỏi, tiểu ít, tăng cân nhanh bất thường (tăng đến 6-7kg, tức khoảng 20% cân nặng trong một thời gian ngắn).

Bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư tiên phát và được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ của hội chứng thận hư tiên phát không đơn thuần. Đến ngày 6/12, tình trạng trẻ đã dần ổn định.

Trường hợp thứ hai là N.A (15 tuổi, Thanh Hóa) chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận mạn. 

Trước đó, vào tháng 2/2022, bố mẹ phát hiện chân con bị phù nên đưa đi khám tại 2 bệnh viện ở Hà Nội và được chẩn đoán là mắc hội chứng thận hư. 

Gia đình đưa con về điều trị tại bệnh viện địa phương. Nhưng do thấy kết quả chưa được như mong muốn nên không tuân thủ phác đồ của bác sĩ, gia đình tự ý cho N.A chuyển sang dùng thuốc nam và thuốc bắc. 

Khoảng 2 tháng sau, sức khỏe trẻ ngày một yếu đi, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi. Ngày 4/12, N.A suy hô hấp, tăng huyết áp phải thở oxy để chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. 

Ngay khi tiếp nhận, trẻ đã được các bác sĩ Khoa Thận và Lọc máu tiến hành làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, điện tim và chạy thận cấp ngay trong đêm để đảm bảo tính mạng.

BS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Do bệnh nhi N.A đã suy thận mạn 3 tháng, không uống thuốc đều và dùng thuốc nam nên tình trạng rất nặng. Bệnh nhi sẽ phải chạy thận nhân tạo khoảng 5 ngày, sau đó sẽ chuyển sang thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Trẻ vẫn có cơ hội được chữa trị nhưng sẽ là một cuộc chiến lâu dài và cần được thay thế thận”.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, cha mẹ nên cho con đi khám khi phát hiện dấu hiệu bệnh và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. 

“Phụ huynh không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, tác dụng điều trị, khiến con gặp nhiều biến chứng khôn lường”, BS Bích Ngọc thông tin.

Năm thói quen hại thận

Năm thói quen hại thận

Chế độ ăn nhiều muối, hay nhịn tiểu, lạm dụng thuốc khi quan hệ chăn gối… dễ dẫn đến các bất ổn ở thận.