Trẻ dị ứng trứng gà có nên tiêm vaccine cúm?
Triệu chứng suy thận sớm cần đặc biệt chú ý
TP.HCM ghi nhận số ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất 10 năm, chủ yếu là người lớn
Các nguyên nhân gây đau bụng cần chú ý
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, hầu hết các vắc xin phòng ngừa cúm được nuôi cấy trong trứng gà.
Chủng siêu vi sẽ được tiêm vào trứng gà thụ tinh, ủ trong vài ngày để cho phép virus nhân lên. Sau đó, chất lỏng trong trứng có chứa virus với nồng độ nhất định sẽ được thu thập. Đối với các mũi tiêm phòng cúm, virus cúm sẽ bị tiêu diệt một phần trong bước kế tiếp nhằm phá vỡ cấu trúc siêu vi để giảm độc lực của chúng.
Một số phụ huynh lo ngại, nếu con bị dị ứng trứng gà sẽ không tiêm được vắc xin phòng cúm. Trong khi đó, một số địa phương đang ghi nhận số ca cúm A tăng cao, trẻ em có thể chuyển nặng nếu mắc bệnh.
Phần lớn vắc xin phòng cúm được nuôi cấy trong môi trường trứng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay, phụ huynh cần hiểu rõ, trẻ dị ứng với trứng gà không thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin cúm. Nếu trẻ dị ứng trứng với biểu hiện nhẹ như ngứa, nổi mề đay... vẫn có thể tiêm vắc xin cúm bình thường.
“Chỉ khi nào trẻ được xác định là dị ứng trứng gà mức độ rất nặng, sốc, phản ứng nghiêm trọng, mới cần xem xét việc nên hoãn tiêm vắc xin cúm hay không”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh. Phụ huynh cần thông báo tiền sử dị ứng của trẻ một cách đầy đủ với bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm.
Theo trang thông tin Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh), tỷ lệ tai biến, mức độ tai biến khi chích ngừa cúm giữa 2 nhóm trẻ có và không dị ứng trứng là không khác biệt.
Bên cạnh đó, trẻ bị phản ứng với vắc xin cúm không phải lòng trắng trứng là thành phần duy nhất. Trẻ có thể dị ứng với 1 trong rất nhiều thành phần khác của vắc xin như protein còn sót lại, kháng sinh, chất bảo quản, ổn định, phức hợp bất hoạt virus…
Một số nghiên cứu mới cho rằng, lượng protein trứng trong một liều vắc xin cúm hầu như không đủ để kích hoạt phản ứng nghiêm trọng với người dị ứng trứng thông thường. Do đó, chỉ những trường hợp dị ứng nghiêm trọng với trứng mới cần cân nhắc khi tiêm vắc xin nuôi cấy từ trứng gà.
Khi tiêm vắc xin cúm, phụ huynh cần khai báo tiền sử dị ứng của trẻ, theo dõi tại chỗ sau tiêm 30 phút theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Dị ứng trứng xảy ra ở khoảng 1,3% ở trẻ em và 0,2% ở người lớn, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nhẹ, trẻ có thể biểu hiện bên ngoài da như ngứa, phát ban, nặng hơn là phù mạch, khó thở, tim nhanh, hạ huyết áp... đến rất nghiêm trọng như sốc, tụt huyết áp, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Các vắc xin phòng ngừa cúm làm giảm nguy cơ mắc bệnh và lây truyền, giảm tỷ lệ biến chứng nặng. Đặc biệt cần thiết ở nhóm dễ chuyển nặng khi mắc cúm như phụ nữ có thai, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, người bệnh mãn tính...
Vắc xin ngừa cúm có hiệu lực bảo vệ lên đến 90% nhưng chỉ kéo dài gần một năm. Lý do là các loại virus cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Các loại vắc xin được dùng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần, nhằm đảm bảo sự tương đồng giữa chủng virus cúm đang lưu hành với chủng virus cúm có trong vắc xin.
Theo Vietnamnet