Trẻ chảy máu cam, nên ngửa đầu lên hay cúi xuống để cầm máu?

Khi trẻ chảy máu cam, theo thói quen người lớn thường cho trẻ ngửa mặt lên trời nhưng đây lại là thói quen sai lầm.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương Phú Thọ vừa tiếp nhận trường hợp trẻ 5 tuổi bị chảy máu cam liên tục, không cầm được máu, bác sĩ không tìm được nguyên nhân. Trước đó, cha mẹ bé thấy con bỗng nhiên chảy máu mũi đỏ tươi khoảng 1 ngày, số lượng vừa, tự cầm máu được nên ở nhà theo dõi. Sau đó trẻ vẫn tiếp tục chảy máu mũi trái nhiều, máu đỏ tươi, không thể tự cầm nên người nhà đưa trẻ nhập viện.

Kết quả nội soi cho thấy, niêm mạc mũi cuốn nề, sàn mũi có nhiều dịch nhầy, cửa mũi trái nhiều máu đông lẫn máu tươi. Hình ảnh rốn phổi và các nhánh huyết phế quản hai bên tăng đậm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị chảy máu điểm mạch mũi trái. Đây là trường hợp chảy máu mũi vô căn – chiếm 90%, lành tính và hay bị lặp lại. Sau khi thực hiện điều trị cầm máu, sức khỏe trẻ ổn định và được xuất viện.

Theo PGS.BS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, chuyên khoa tai mũi họng nhi trẻ bị chảy máu cam thường rất phổ biến, đặc biệt với độ tuổi 3 - 8 tuổi. Trong đó chảy máu cam là dạng bệnh lý thuộc về tai - mũi - họng với hiện tượng chảy máu từ niêm mạc mũi. Máu có thể chảy ra mũi trước hoặc mũi sau, rồi xuống họng.

Theo bác sĩ An có rất nhiều yếu tố gây ra hiện tượng chảy máu cam như dị ứng với các yếu tố dị nguyên ở mũi, nhiễm trùng mũi - họng.

PGS nội soi cho bệnh nhi.

PGS nội soi cho bệnh nhi.

Vào mùa thu đông, thời tiết quá hanh khô, trẻ ngồi nhiều quá lâu trong phòng điều hòa khiến khoang mũi chứa các vi mạch máu nhỏ bị khô, vỡ ra và dẫn đến hiện tượng chảy máu. Một số trẻ bị vách mũi bị vẹo, gãy xương mũi. Chảy máu cũng có thể do trẻ vô tình tạo ra các kích thích mạnh làm tổn thương niêm mạc mũi như cào, gãi mạnh vào vùng mũi, đút dị vật vào mũi,…

PGS An cho biết, khi trẻ bị chảy máu cam, nhiều cha mẹ cầm máu cho con sai cách như cho trẻ ngửa cổ lên trời, nhưng thực chất cách sơ cứu này là sai. Hành động ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam sẽ làm cho máu chảy ngược xuống cuống họng, từ đó chạy qua lỗ thông khí và có thể gây sặc máu.

PGS An khuyến cáo cha mẹ cần động viên và giữ bình tĩnh cho bé. Nhiều trường hợp bé sẽ cảm thấy hoảng sợ, quấy khóc hoặc liên tục dùng tay dụi vào phần mũi bị chảy máu. Sau đó, mẹ cần xác định chính xác bên mũi bị chảy bởi trẻ bị chảy máu cam thường chỉ xảy ra với một bên mũi.

Chỉ cần đặt đầu trẻ hơi cúi về phía trước để máu chảy ra là các cha mẹ sẽ nhận ra bên mũi nào chảy máu, tư thế này khiến máu cam không chảy ngược về phía họng, gây nôn ói.

Lấy ngón tay đè lên cánh mũi trẻ, hơi ngửa đầu trẻ lên một chút và giữ nguyên khoảng 5 - 10 phút để máu ngừng chảy. Trẻ chảy máu mũi liên tục và không thể cầm máu sau hơn 7 - 10 phút bóp mũi, cha mẹ nên kịp thời đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để sơ cứu, ngăn chặn mất máu ở trẻ. Sau chảy máu cam, cha mẹ giữ không cho trẻ vận động và tiếp tục theo dõi bé.

Theo VTC News