TP.HCM thiếu hụt điều dưỡng
Theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2021 có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng. Năm 2022, con số này chỉ còn 781 người nộp đơn tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, giảm 66%. Tình hình này đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.
Thiếu hụt điều dưỡng là một thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Tình hình sẽ càng trầm trọng hơn khi số lượng tuyển dụng mới không đủ để bù đắp lại số đã nghỉ việc.
Sở Y tế TP cho rằng, đặc thù của nghề điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc cao, nguy cơ lây nhiễm bệnh trong môi trường làm việc. Trong khi đó, thu nhập của điều dưỡng thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề, một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.
Bên cạnh đó, điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng mất từ 35 – 40 triệu đồng/năm, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.
Tiến sĩ, điều dưỡng Trần Thị Châu, Phó chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ chi phí cho sinh viên ngành điều dưỡng, hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao cho điều dưỡng. Đặc biệt, các bệnh viện phải đặt hàng với các trường tuyển sinh và đào tạo số lượng, nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, thạc sĩ, điều dưỡng Bùi Thị Hồng Ngọc, Trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho rằng, cần sớm trả lại người điều dưỡng về đúng vị trí chuyên môn chăm sóc người bệnh.
Theo bà Ngọc, không nên để điều dưỡng phải làm các công việc văn phòng, cần bổ sung các vị trí nhập liệu, thư ký y khoa... để làm các vị trí hành chính trong bệnh viện, tránh lãng phí nguồn nhân lực điều dưỡng.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM xác định nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập là một thách thức. Do đó, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng.
Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03 của Hội đồng nhân dân TP cho tất cả điều dưỡng thuộc y tế công lập trên địa bàn, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn.
Sở Y tế kiến nghị UBND TP có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026. Đồng thời, gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030.
Sở Y tế cũng kiến nghị cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.