Thứ trưởng Y tế lo ngại tỷ lệ người Việt tử vong do bệnh lý tim mạch gia tăng
Bệnh lý tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, Việt Nam không ngoại lệ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh tại Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18.
Thế giới ghi nhận mỗi năm bệnh lý này cướp đi gần 19 triệu sinh mạng; chiếm hơn 44% ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, tương ứng tỷ lệ 31% tổng ca tử vong toàn cầu.
Tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch chiếm rất cao. “Cứ 100 người chết, có 33 người do bệnh lý tim mạch”, Thứ trưởng nói.
Các yếu tố không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực… đều là nguy cơ làm gia tăng bệnh lý tim mạch.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết với các nước thu nhập cao, tỷ lệ tử vong do tim mạch giảm tới 60% trong 60 năm qua. Trong khi đó, ở các nước thu nhập thấp và trung bình (trong đó có Việt Nam), tỷ lệ này lại tăng tới 20% chỉ trong 20 năm.
Tại các nước thu nhập cao, có 5 triệu ca tử vong do tim mạch, bằng một nửa so với các nước thu nhập thấp - trung bình, PGS Hùng dẫn thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến năm 2019, có 75% số tử vong do tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp.
Tại hầu hết các nước trong nhóm thu nhập trung bình - thấp (chiếm tới 85% dân số toàn cầu), tỷ lệ bệnh động mạch vành và đột quỵ não, tăng huyết áp tăng cao ở thành thị.
Theo WHO, bệnh động mạch vành chiếm tới 14% tổng số tử vong toàn cầu, cao hơn đột quỵ (11,1%). Đáng chú ý, đột quỵ não có xu hướng gia tăng mạnh ở các nước thu nhập thấp - trung bình. Ước tính của WHO cho thấy đến năm 2030, tổng số tử vong do đột quỵ não tăng lên 30% và vẫn chủ yếu ở các nước thu nhập thấp - trung bình.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể phòng ngừa được.
Bà nhấn mạnh kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy hầu hết bệnh tim mạch đều phòng ngừa và điều trị hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia.
PGS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh phòng bệnh lý tim mạch phải là quá trình xuyên suốt bởi "luôn xác định ai cũng có thể bị bệnh tim mạch".
Phòng bệnh tim mạch bao gồm nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong thực hiện lối sống khỏe mạnh, đến việc khám sức khỏe định kỳ để biết được các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết, mỡ máu…
Người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.