Thói quen buổi sáng nhiều người mắc vô tình làm hại đường tiêu hóa
Thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, 10% dân số Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, con số này đang gia tăng đáng báo động. Thực tế, số người mắc bệnh lý tiêu hóa cao hơn con số được thống kê, nguyên nhân gây bệnh đến nhiều từ thói quen sinh hoạt, vận động, ăn uống...
Ba thói quen phổ biến khiến đường tiêu hóa có vấn đề
- Ăn uống: Nếu ăn uống không đúng giờ dễ bị bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng; ăn đồ chua cay nhiều; thức ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, ít chất xơ… cũng dễ bị bệnh lý đường tiêu hóa như polyp đại trực tràng.
- Ít vận động, thể dục, ngồi hay đứng nhiều dễ bị trĩ, đường tiêu hóa hoạt động không tốt.
- Sử dụng thuốc bừa bãi: Nếu uống kháng sinh không đúng chỉ định dễ bị loạn khuẩn đường ruột.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy đường tiêu hóa trên có vấn đề, như đau bụng vùng trên rốn, buồn nôn, mệt mỏi chóng mặt…
Ngoài ra, sự thay đổi thói quen đi tiêu (bình thường 1 lần/ngày nay tăng số lần, từ bình thường sang táo bón, đi lỏng) hoặc có những cơn đau bụng bất thường sau ăn, đặc biệt vào buổi sáng, cho thấy dấu hiệu đường tiêu hóa dưới không khỏe mạnh.
Thói quen tốt và không tốt khi uống nước vào buổi sáng
Một ly nước lọc ấm vào buổi sáng giúp cơ thể hạn chế thay đổi thân nhiệt, hơn nữa còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, thức ăn tiêu hóa dễ dàng hơn. Việc uống nước cần duy trì đều đặn 6-8 ly, tương đương 2 lít nước mỗi ngày.
Trong khi đó, nếu uống cà phê hay trà buổi sáng không phải tốt cho tất cả mọi người. Một số người có thói quen uống trà, cà phê buổi sáng để tỉnh táo, nhưng với người có bệnh lý dạ dày thì thói quen này không tốt. Đây là chất kích thích, khi uống buổi sáng khiến dạ dày tăng tiết acid nhiều hơn, khiến bệnh lý dạ dày tiến triển nặng hơn.
Ngoài ra, người có hội chứng ruột kích thích cũng không nên uống. Thực tế, nhiều người đến viện than phiền với bác sĩ tình trạng cứ uống cà phê buổi sáng xong là bị tiêu chảy ngay.
Dậy sớm, hít sâu không khí trong lành cũng là thói quen tốt giúp cơ thể phấn chấn, nạp thêm năng lượng. Khi quá trình trao đổi oxy trong cơ thể tốt, hệ tiêu hóa hoạt động cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, vào mùa lạnh, việc ra ngoài hít thở không khí vào buổi sớm cần cẩn trọng hơn, phòng các bệnh lý như huyết áp, đột quỵ,...
Nên ăn sáng như thế nào?
Nhiều người trẻ có thói quen không tốt, vừa tỉnh dậy cầm ngay điện thoại để kiểm tra tin tức, hội thoại; hoặc đi ngủ trễ, thức dậy muộn, bỏ bữa sáng. Đường tiêu hóa cũng như cơ thể, có đồng hồ sinh học, cần sự điều độ. Nhiều nghiên cứu cho thấy người ngủ sớm dậy sớm tốt hơn và chỉ số hạnh phúc tốt hơn người thức khuya, dậy muộn.
Không nên bỏ bữa sáng vì đây là bữa quan trọng nhất ngày. Bữa sáng cần đảm bảo thành phần trong thức ăn, cân bằng đường, đạm, chất béo, vitamin; hạn chế thức ăn có hại như mặn, nhiều đường, chất béo bão hoà làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể; tăng cường thức ăn nhiều xơ, vitamin. Điều này giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn, hạn chế bệnh lý tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường…
Nếu bạn có thói quen ăn sáng qua loa như bánh ngọt, ăn vặt, hoặc bỏ bữa sáng cho kịp giờ đi làm, thì nên sớm từ bỏ. Việc bỏ bữa hay ăn sáng trễ khiến dạ dày ảnh hưởng bởi lượng acid tiết ra nhiều, lâu dần sẽ gây viêm loét dạ dày tá tràng. Ăn thành phần không cân đối như nhiều đường sẽ khiến tuyến tuỵ kích thích nhiều, tiết nhiều insulin, lâu dần cơ thể tăng tình trạng đề kháng insulin, tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
TS Phạm Công Khánh Phó trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM