Thói quen dễ gây đột quỵ khi nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến nhiều người mệt mỏi. Những thói quen như uống ít nước, tắm hoặc nằm phòng điều hòa ngay khi đi nắng về có thể khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Đột quỵ do nhiệt là tình trạng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nắng nóng. Dạng chấn thương này có thể xuất hiện khi nhiệt độ cơ thể tăng lên 40 độ C hoặc hơn và rất phổ biến trong những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm.

Đột quỵ khi nắng nóng cần phải điều trị khẩn cấp, nếu không có thể gây tổn thương não, tim, thận nghiêm trọng. Nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí tử vong. Triệu chứng

Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ vì say nắng như: Thân nhiệt cao từ 40 độ C trở lên, bất ngờ xây xẩm mặt mày, lú lẫn, kích động, nói lắp, khó chịu, mê sảng, co giật, mê man sau khi đi từ ngoài trời nắng về; đổ mồ hôi, nôn, da ửng đỏ, thở gấp, đau tim, đau đầu…

Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng đỉnh điểm nhất là mùa hè, nhiệt độ tăng cao, trời oi bức. Một nghiên cứu từ Đại học Haifa (Israel) cho thấy cứ mỗi một độ C tăng lên, nguy cơ đột quỵ tăng thêm 10% trong 6 ngày.

Nguyên nhân gây đột quỵ khi trời nắng nóng là nhiệt độ tăng cao, cơ thể bài tiết nhiệt mồ hôi, gây mất nước. Điều này dẫn tới lưu thông máu kém, tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dễ dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.

dot quy khi nang nong anh 1

Thời tiết nắng nóng, oi bức dễ khiến người cao tuổi gặp nhiều nguy hiểm tới sức khỏe. Ảnh: Shutter Stock

Thói quen xấu dễ gây đột quỵ trời nắng

Mayo Clinic cho hay những thói quen hàng ngày có thể không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng kết hợp với trời nắng nóng đỉnh điểm có thể khiến chúng ta dễ bị đột quỵ hơn.

- Uống ít nước: Mất nước là nguyên nhân số một gây ra đột quỵ khi trời nắng nóng, đặc biệt với người lớn tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên uống đủ 5-6 cốc nước mỗi ngày. Nếu hoạt động ngoài trời, chơi thể thao, làm việc dưới ánh nắng, bạn cần uống nhiều nước hơn để bù vào phần nhiệt đã mất.

Thay vì uống soda, cà phê, trà, chúng ta nên uống nước lọc, mang theo đồ uống khi ra ngoài trời.

- Hoạt động thể chất quá mức: Làm việc hoặc tập luyện quá sức cũng là thói quen dễ dẫn tới đột quỵ khi trời nắng. Bởi những hoạt động này đều khiến cơ thể mất nước, dễ say nắng. Đặc biệt với người bệnh mắc các bệnh lý dẫn đến nhồi máu não hoặc vỡ mạch máu não, nguy cơ bị đột quỵ lại càng cao.

- Uống rượu, bia: Rượu bia là chất lợi tiểu, khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn, dẫn tới mất nước. Uống nhiều rượu bia cũng khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp.

- Ngồi phòng điều hòa ngay khi đi nắng về: Nắng nóng oi bức khiến cơ thể toát mồ hôi, nhiều người muốn vào phòng điều hòa hoặc tắm ngay sau khi đi ngoài đường. Nhưng thói quen này rất có hại và bạn cần phải thay đổi ngay. Nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến lỗ chân lông, vi mạch dưới da co lại. Điều này có thể gây tim đập nhanh, cao huyết áp và kéo theo tình trạng đột quỵ.

- Nằm điều hòa sau khi tắm: Tương tự thói quen ngồi phòng điều hòa sau khi đi nắng về, nằm điều hòa sau khi tắm dễ gây viêm phổi, cảm lạnh. Đặc biệt với những người có bệnh sẵn về mạch máu não sẽ khiến nguy cơ tai biến, đột tử rất cao do các mạch máu bị cản trở sự lưu thông.

dot quy khi nang nong anh 2

Tập luyện quá mức khi trời nắng nóng dễ gây mất nước, hình thành cục máu đông - nguyên nhân dẫn tới đột quỵ. Ảnh: Freepik

Cách phòng ngừa

Đột quỵ do nắng nóng có thể phòng ngừa được chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Khi nhiệt độ ngoài trời cao, chúng ta nên hạn chế ra đường vào lúc nắng gắt, nhất là người lớn tuổi. Khi dùng máy lạnh, nhiệt độ trong và ngoài phòng không được chênh lệch quá 7 độ C.

Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu thoáng mát, che chắn, đội mũ, nón rộng vành, sử dụng kem chống nắng, kính râm khi ra ngoài trời. Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta cần uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày; hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc tập luyện quá sức; không uống rượu, bia, chất kích thích.

Nếu muốn tắm sau khi đi nắng về, tốt nhất bạn nên đợi thân nhiệt dần ổn định lại, ngồi nghỉ 15-20 phút, sau đó lau người trước cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân.

Khi có bất kỳ dấu hiệu bị say nắng hoặc sốc nhiệt, nạn nhân cần được nghỉ ngơi trong bóng râm, nơi mát mẻ, bổ sung nước và tới bệnh viện nếu cần thiết.

Theo Zing