Tây Ninh: Triển khai dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam 

BTNO - Ngày 27.5, Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) phối hợp cùng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” tại Tây Ninh. Tham dự có bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, ông Đỗ Hồng Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, đại diện Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc và môi trường (NACCET) – Bộ Quốc phòng cùng đại diện lãnh đạo các nhà thầu thực hiện dự án tại Tây Ninh.

Bà Trần Thị Lan-Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Dự án hỗ trợ “cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được NACCET phối hợp cùng cơ quan hợp tác quốc tế Hoa kỳ (USAID) ký kết vào tháng 12.2019 và được triển khai từ năm 2021 đến năm 2026 tại 8 tỉnh thành có nhiều ảnh hưởng do chiến tranh gây ra là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.

Mục tiêu của dự án là mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khoẻ và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng các dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hoà nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp; cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hoà nhập cộng đồng và tăng cường năng lực quản lý và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp… nhằm nâng cao chất lượng sống của người khuyết tật trên địa bàn.

Đại diện các nhà thầu trình bày các dự án trong Hội nghị.

Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong năm 2022, tập trung công tác chuẩn bị triển khai dự án với sự quản lý của CSIP; tăng cường sự phối hợp, kết nối và hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai dự án tại Tây Ninh trong giai đoạn 2022-2026.

Trong đó, với sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH làm đầu mối, có nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế trong việc phối hợp và chỉ đạo trong quá trình triển khai dự án; trao đổi với đơn vị NACCET và CSIP bằng văn bản đối với những vấn đề cần có ý kiến phê duyệt của UBND tỉnh.

Theo đó, trong dự án LSGA, CSIP sẽ phối hợp với các nhà thầu lớn triển khai các dự án chính tại Tây Ninh, gồm: Trung tâm Phát triển năng lực và nghiên cứu về Người khuyết tật (DRD) triển khai Dự án “Một thế giới cho tất cả”; Trung tâm Phát triển Y tế Bền vững (VietHealth) với Dự án “Phục hồi chức năng toàn cho trẻ khuyết tật tại Tây Ninh”; Tổ chức hỗ trợ người Khuyết tật Việt Nam (VNAH) với Chương trình Hoà nhập 3 – Dự án “Phát triển Nguồn nhân lực phục hồi chức năng chất lượng cao và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai”; Uỷ ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) với Dự án “Huấn luyện kỹ năng lâm sàng cho cán bộ phục hồi chức năng tại Tây Ninh” và Công ty Tư vấn Giáo dục Hoàng Đức với Dự án “Cung cấp dịch vụ tâm lý cho người khuyết tật và người thân trong gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Toàn cảnh hội nghị.

Tham gia ý kiến thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đồng tình với kế hoạch của dự án, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để dự án mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Đỗ Hồng Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Tây Ninh phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Trên cơ sở các ý kiến, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, báo cáo và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch để dự án sớm được triển khai; công tác hỗ trợ và nâng cao chất lượng sống cho người khuyết tật, ảnh hưởng chất độc da cam trên địa bàn tỉnh đi vào thực tiễn.

Ngọc Bích