Suýt mù lòa vì đái tháo đường
Ông Đ.V.L. (56 tuổi, ngụ tại TP.HCM) mắc đái tháo đường type 2 khoảng 7 năm nay. Thời gian gần đây, ông L. thấy mắt nhìn mờ, thỉnh thoảng không phân biệt được màu sắc nên đi tái khám.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sau thăm khám và tầm soát, bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh võng mạc đái tháo đường tiền tăng sinh. Bệnh nhân phải điều trị bằng laser quang đông toàn võng mạc.
Đến nay, thị lực của ông đạt 9/10 ở mắt phải, 8/10 mắt trái, bệnh không tiến triển nặng thêm, không xuất hiện tân mạch võng mạc hoặc xuất huyết võng mạc tái phát. Bác sĩ chỉ định ông L. tiếp tục tuân thủ điều trị đái tháo đường và tái khám chuyên khoa đúng hẹn.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bệnh võng mạc là một biến chứng phổ biến trên mắt ở người bệnh đái tháo đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới.
Các thống kê cho thấy, người bệnh mắc đái tháo đường từ sau 10 - 15 năm có tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường lên đến 90%.
Theo các bác sĩ, biến chứng của bệnh đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm, có thể xảy ra trên nhiều bộ phận cơ thể như não, tim mạch, thận, mắt, hệ mạch máu và thần kinh ngoại vi…
Trong đó, các biến chứng ở mắt giai đoạn đầu không ảnh hưởng tới thị lực. Vì vậy, người bệnh thường bỏ qua, trong đó có bệnh võng mạc đái tháo đường.
Việc thăm khám lâm sàng ở giai đoạn đầu có thể giúp phát hiện các tổn thương đặc hiệu trên võng mạc, từ đó có phương pháp phù hợp.
Ở giai đoạn võng mạc đái tháo đường không tăng sinh, chưa bị phù hoàng điểm, người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và mỡ máu.
Ở giai đoạn võng mạc đái tháo đường tăng sinh, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng laser quang đông, tiêm thuốc vào nhãn cầu hoặc phẫu thuật.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, việc tuân thủ điều trị và kiểm soát tốt đường huyết vô cùng quan trọng.
Người bệnh cần kiểm soát đường huyết bằng thuốc hoặc tiêm insulin tại nhà (nếu có chỉ định), cần biết cách bảo quản, chú ý luân chuyển vị trí tiêm để tránh biến chứng loạn dưỡng mô mỡ, gây chai cứng, insulin sẽ không hấp thu được vào máu.
Tuỳ đặc điểm của từng người bệnh, bác sĩ sẽ kê loại insulin và liều tiêm phù hợp. Người bệnh cần kiểm tra tên thuốc trên thân bút và đơn thuốc để xác định đúng loại insulin, liều tiêm, thời điểm tiêm.
Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu đo và ghi lại nhật ký kết quả đo đường huyết. Các thời điểm đo bao gồm: lúc đói (trước khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), sau ăn (cách 2 giờ sau khi ăn sáng, ăn trưa hoặc ăn chiều), trước khi ngủ, trước hoặc sau khi tập thể dục.