Sốt xuất huyết Không thể chủ quan
Bác sĩ sốc nặng khi phát hiện cả 'kho đồ cũ' trong bụng người đàn ông
Thêm 716 ca COVID-19 mới, số bệnh nhân thở oxy tăng vọt
Vụ ngộ độc tập thể ở Quảng Nam: Bệnh nhân ăn phải chất kịch độc
Nhân viên y tế phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh phun hoá chất diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch tại địa phương.
Số ca mắc tăng cao ở các địa phương
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Tây Ninh), tính đến ngày 5.6.2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.502 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 1.017 ca, tương đương tăng 1,46 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó ghi nhận 5 ca tử vong do sốt xuất huyết (huyện Gò Dầu: 2 ca, thành phố Tây Ninh 1 ca, huyện Tân Châu 1 ca và huyện Bến Cầu 1 ca). Một số địa phương có số ca mắc cao như thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng và các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu.
Theo Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng, từ đầu năm 2022 đến nay, Trảng Bàng có 497 người mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng đã điều trị cho 198 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; trong đó, điều trị nội trú 198 trường hợp, chuyển viện 3 bệnh nhân, không có bệnh nhân tử vong. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên địa bàn, bác sĩ CKI. Nguyễn Xuân Chinh- Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng cho biết, thị xã Trảng Bàng là địa phương có diện tích rộng, dân cư đông và nhiều khu nhà trọ nên môi trường sống khá phức tạp. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, người dân có biểu hiện lơ là trong công tác vệ sinh, còn để tồn đọng nhiều khu vực, vật dụng chứa nước không cần thiết: không thay nước trong lọ hoa, bể cây cảnh; điều kiện khu vực nhà ở, nhà trọ, lán trại các công trình xây dựng, chuồng trại thiếu vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải không bảo đảm ở các vùng ven… là những yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn.
Tại thành phố Tây Ninh, thời gian qua, tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn tiến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Thành phố, tính đến ngày 6.6.2022, toàn Thành phố luỹ kế có 382 ca sốt xuất huyết, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phường Ninh Sơn là khu vực có số ca mắc cao nhất địa bàn và có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết.
Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh nhanh chóng khoanh vùng, dập ổ dịch và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn phường Ninh Sơn.
Không chủ quan với các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết
Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh có 5 trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết. Các trường hợp này đều nhập viện trong tình trạng ủ bệnh đã nhiều ngày, bệnh diễn tiến nặng. Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự chủ quan của bệnh nhân, nhầm tưởng các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết là các loại bệnh khác nên tự điều trị tại nhà hoặc chữa trị không đúng cách dẫn đến bệnh chuyển biến nặng.
Chị Nguyễn Thị Phượng Hằng- một bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển biến nặng nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng cho biết, cách đây hơn 1 tuần, chị có các dấu hiệu sốt cao, nôn mửa, chóng mặt. Nghĩ đây chỉ là các triệu chứng của bệnh cảm cúm thông thường nên chị đến hiệu thuốc mua thuốc cảm về uống. Hai ngày sau, bệnh không thuyên giảm, chị đến một bệnh viện tư nhân tại địa phương khám và biết mình mắc sốt xuất huyết, được bệnh viện kê toa thuốc và về nhà theo dõi bệnh.
Đến tối ngày thứ 3 mắc bệnh, chị Hằng đột nhiên sốt co giật rồi bất tỉnh. Người nhà kịp thời đưa đến Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng cấp cứu, chị đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khoẻ sau 7 ngày điều trị. Chị Hằng chia sẻ: “Tôi không nghĩ bệnh sốt xuất huyết lại chuyển biến nặng nhanh như vậy. Nếu không được người thân đưa đi cấp cứu kịp thời, tôi đã không qua khỏi. Đây thực sự là bài học quý giá đối với tôi trong việc quan tâm, chú ý tới sức khoẻ của bản thân”.
Theo bác sĩ CKI Ngô Tấn Khương- Phó trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, hội chứng sốc Dengue và suy tạng là hai nguyên nhân dễ dẫn đến tử vong do mắc bệnh sốt xuất huyết. Sốc Dengue thường xuất hiện từ ngày thứ 3-7 của bệnh, sau khi người bệnh chuyển từ sốt cao sang hạ sốt. Dấu hiệu sớm của hội chứng sốc Dengue là người mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, tiểu ít... Trong trường hợp được phát hiện và bù dịch đầy đủ, bệnh nhân có thể nhanh chóng hồi phục; ngược lại, tình trạng bệnh sẽ chuyển biến xấu và xuất hiện sốc nặng. Thời gian diễn ra sốc vào khoảng 12-24 tiếng, nếu sốc nặng, bệnh nhân hoàn toàn có thể tử vong chỉ sau 5-6 giờ.
Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng và các lực lượng công nhân viên chức UBND phường An Hoà ra quân tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Chính vì vậy, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế khám và xét nghiệm nếu có các dấu hiệu của bệnh để được cấp cứu và chữa trị kịp thời, không để xảy ra những tình trạng đáng tiếc. Những dấu hiệu bệnh bao gồm: sốt từ ngày 1 đến ngày 4 kèm theo triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, có thể nôn, biểu hiện rõ nhất vào ngày thứ 3, thứ 4, bệnh nhân sẽ nổi những hạt ban trên toàn thân, đó là dấu hiệu xuất huyết dưới da, những trường hợp nặng hơn là nôn ra máu, đi cầu phân đen.
Hiện nay, dịch Covid- 19 vẫn còn, đồng thời thời tiết diễn biến thất thường gây ra các bệnh cảm cúm cũng gây cho người bệnh nhiều nhầm lẫn trong việc phát hiện đúng bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân cần phân biệt các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác. Trong đó, dấu hiệu của bệnh mắc Covid-19 có những điểm khác với sốt xuất huyết: có dấu hiệu sốt nhưng bệnh Covid-19 có thêm các triệu chứng ho, sổ mũi, đau họng… các bệnh nhân cần lưu ý để phân biệt đúng bệnh. Bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế khám và xét nghiệm để được điều trị kịp thời.
Tăng cường các hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay, khu vực Nam Bộ đang bước vào mùa mưa, thời tiết mùa hè nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển. Dự báo trong thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết có khả năng diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, bảo đảm phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hoá chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hoá chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. Đồng thời tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giảm sát côn trùng, kỹ thuật phun hoá chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng.
Ngày 6.5.2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1491/UBND-KGVX về tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết, huy động chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân phối hợp triển khai, tích cực tham gia nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt là triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 15.6.2022, 9 huyện, thị, thành phố đồng loạt tổ chức ra quân hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12 bằng các hoạt động thiết thực: ra quân dọn dẹp phát quang bụi rậm, vận động người dân dọn dẹp vệ sinh quanh nhà ở, dọn dẹp các ổ lăng quăng có nguy cơ sinh sôi muỗi vằn, phát tờ rơi tuyên truyền để người dân hiểu về sự nguy hiểm của bệnh và thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả.
Ngọc Bích