Sợ cảnh mòn mỏi xếp hàng bốc số, người già TP.HCM tìm đến phòng khám vệ tinh

Bảo hiểm y tế đăng ký tại bệnh viện lớn, nhưng người dân rất sợ cảnh xếp hàng, bốc số và chờ đợi. Nhiều người già bị bệnh huyết áp, tiểu đường... đã chọn đến phòng khám vệ tinh hoặc trạm y tế để thoát cảnh mệt mỏi.

Người bệnh… nhớ bác sĩ

“Hai năm dịch Covid-19, phòng khám này không hoạt động, tôi cũng hết chỗ khám bệnh. Tôi có vài bệnh như hay choáng váng, cao huyết áp, viêm phế quản và tiền liệt tuyến”, ông Lại Vũ Hợp nói. Ông Hợp nghỉ hưu đã nhiều năm, có thẻ Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), nhưng rất ngại đi khám.

“Mỗi lần lên viện, tôi mất 1 ngày mới xong. Từ TP Thủ Đức lên đến quận Tân Bình, xếp hàng, chờ đợi, xong hết mọi thứ thường đến 16h. Nhiều khi mình hỏi bác sĩ mấy chỉ số xét nghiệm ý nghĩa là gì mà họ không giải thích, cứ bảo xong rồi ra ngoài thôi. Nay tôi mang đến cho bác sĩ Cường xem giúp”, ông Hợp nói. 

Ngoài cửa, ông D.X.B, một bệnh nhân cao huyết áp đang chờ đến lượt. Ông B. tranh thủ nhờ người trông quán để chạy sang nhận thuốc Bảo hiểm y tế. "Tiện thể tôi nhờ bác Cường xem giúp kết quả xét nghiệm tiểu đường ổn không, lâu lắm mới thấy bác ấy", ông B. nói. 

Ông Hợp mang kết quả xét nghiệm cho bác sĩ Phạm Quốc Cường tư vấn. 

Bác sĩ CKII. Phạm Quốc Cường, Trưởng phòng khám Thảo Điền (thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh) đã quen thuộc với người dân quanh đây. Mới mở cửa trở lại do ảnh hưởng của Covid-19, phòng khám đón trên 20 lượt/ngày, không ít trong đó là bệnh nhân cũ, giống như ông Hợp. 

Thực tế, từ năm 2018, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã đặt phòng khám vệ tinh tại Trạm y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức). Khách hàng chủ yếu người có bệnh lý huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu… hay cần châm cứu, tập vật lý trị liệu. 

Theo bác sĩ Cường, việc đặt một phòng khám ngay tại trạm y tế giúp được bệnh nhân và cả bệnh viện. Ông dẫn chứng, hiện nay, phác đồ điều trị các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… thống nhất ở các tuyến. Bệnh lý mạn tính ngày càng phổ biến còn bệnh viện luôn quá tải. Nếu người dân đổ dồn lên bệnh viện lớn sẽ không tránh khỏi cảnh mệt mỏi, đợi chờ.

Trong khi đó, phòng khám ở trạm y tế có chức năng như phòng khám bác sĩ gia đình, được thanh toán Bảo hiểm y tế. Người già bị bệnh mạn tính được theo dõi, cấp thuốc định kỳ, có sự gắn kết vì được bác sĩ bám sát diễn biến sức khỏe. 

“Để làm tốt, chúng ta cần những bác sĩ giỏi chuyên môn, tận tình với người bệnh, mang lại sự hài lòng và yên tâm. Đặc biệt quan trọng là danh mục thuốc phải đa dạng", bác sĩ Cường chia sẻ. 

5h sáng, người dân xếp hàng chờ khám tại một bệnh viện ở TP.HCM. 

Mở rộng danh mục thuốc cho y tế cơ sở

Sở Y tế TP.HCM xác định, 1 trong 7 thách thức của y tế TP là tình trạng một số trạm y tế chưa thực sự thu hút được người dân đến khám chữa bệnh ban đầu. Nguyên nhân chính là do trung tâm y tế quận, huyện không đủ loại thuốc và danh mục thuốc. 

Khảo sát nhanh của Sở Y tế hồi tháng 9 cũng cho thấy, đại đa số người bệnh mong muốn được bổ sung bác sĩ, danh mục thuốc và xét nghiệm cho trạm y tế. Khi đó, họ sẵn sàng đến trạm thay vì phải lên bệnh viện quận. 

Trước thực tế trên, Sở Y tế đã trình UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc tại trạm y tế được Bảo hiểm y tế thanh toán, với 41 loại thuốc thuộc danh mục của bệnh viện hạng 3, 4 dùng trong điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm.

Đề xuất cho phép chấp thuận mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương nhằm cung ứng đủ thuốc cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế. Số thuốc dự kiến mở rộng bao gồm 308 thuốc (không bao gồm 129 thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương).

Ngành y tế TPHCM nhận định, khi việc bổ sung danh mục thuốc cho trạm y tế được thông qua sẽ tạo dựng được niềm tin cho người dân đến chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới hiện đang hỗ trợ TP.HCM triển khai Gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, thông qua hệ thống y tế cộng đồng.