Số ca Covid-19 tăng, điểm khác biệt của biến thể mới xuất hiện tại Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 9/1, số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam tăng 19 trường hợp so với ngày trước đó. Tuy nhiên, tổng cố ca (71) vẫn ở dưới ngưỡng 100. Số bệnh nhân đang phải thở oxy giảm nhẹ (từ 21 ca xuống còn 19 bệnh nhân). Về tình hình thế giới, nhiều biến thể phụ của Omicron như XBB, XBB.1.5 đang làm số ca mắc tăng lên ở một số nơi. Điều đó dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
XBB lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm hơn Omicron
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội vi sinh lâm sàng TP.HCM, Hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam), XBB hay XBB.1.5 đều có thêm một số đột biến và cũng giảm đi một số đột biến so với biến thể Omicron.
Điểm khác biệt là biến thể phụ XBB có độ lây lan cao hơn so với Omicron. Tuy nhiên, đến nay, các nhà khoa học chưa có bằng chứng để khẳng định XBB có độc lực cao hơn Omicron, vẫn chủ yếu gây triệu chứng đường hô hấp trên ở các ca nhiễm.
Với những chứng cứ khoa học hiện tại, Tiến sĩ Vân nhận định, biến thể phụ XBB lây lan nhanh hơn nhưng không gây bệnh nặng hơn Omicron.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, cho hay XBB là biến thể phụ do sự bắt chéo của 2 biến thể cũ. Sự lai tạo này khiến protein gai của XBB hơi khác với biến thể cũ, có thể lẩn tránh miễn dịch nhưng sự xâm nhập vào tế bào lại kém hơn.
Trong khi đó, XBB.1.5 có đột biến ở F486P nên khả năng lây lan nhanh hơn. Đây cũng là lý do tháng 10/2022, tỷ lệ mắc Covid-19 của Mỹ thấp nhưng đến đầu năm 2023, tỷ lệ này lại tăng cao đến hơn 40%.
Tại Việt Nam, giám sát dịch tễ ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB (tại TP.HCM và Tây Ninh), vẫn chưa ghi nhận biến thể phụ XBB.1.5.
"Người nhiễm Omicron rất khó nhiễm biến thể phụ"
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân cho rằng đại dịch Covid-19 đã đi đến hồi kết thúc bằng diễn tiến tự nhiên của dịch bệnh, đó là lây lan nhanh và tạo miễn dịch cộng đồng. Ông nói thêm người đã nhiễm biến thể Omicron sẽ rất khó tái nhiễm biến thể phụ của Omicron, trong đó có XBB hay XBB.1.5…
Trước lo ngại miễn dịch với SARS-CoV-2 có thể giảm dần, tiến sĩ Vân cho hay nồng độ kháng thể có thể giảm theo thời gian nhưng không mất đi vì có tế bào nhớ. “Khi cơ thể nhập lại tác nhân gây bệnh, tế bào nhớ được huy động ngay để tạo miễn dịch phòng chống”, ông giải thích.
Bên cạnh đó, vắc xin Covid-19 vẫn có thể giúp giảm bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong trên người nhiễm bệnh. Vì thế, chuyên gia này cho rằng người dân cần bình tĩnh, không hoảng loạn trước các biến thể mới và yên tâm du xuân.
"Miễn dịch cộng đồng với Covid-19 của Việt Nam rất cao. Tôi cho rằng không cần quá lo lắng để ảnh hưởng đến sự phục hồi của du lịch", ông nói.
Trong khi đó, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng các biến thể mới của SARS-CoV-2 dù có xuất hiện thêm nhưng vẫn chung đặc điểm "không qua được các hàng rào vật lý như khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn". Vì thế, việc duy trì các biện pháp này và cùng với vắc xin có thể giúp phòng bệnh hiệu quả.
"Nếu Việt Nam xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5, số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng. Tuy nhiên, điều này không đáng sợ vì ca nhập viện, tử vong sẽ không tăng nếu người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 theo khuyến cáo”, ông nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã ghi nhận trên 500 biến thể khác nhau, hiện Omicron là biến thể chủ đạo của các ca mắc trên toàn thế giới với nhiều biến thể phụ như: BQ.1 (chiếm 23,3%), BA.5 (chiếm 20,6%), BA.2.75 (chiếm 6,8%), XBB (chiếm 3.3%), BA.4.6 (chiếm 2,8%)...
Biến thể XBB được ghi nhận trên thế giới từ tháng 10/2022 và đã lây lan ở hơn 70 quốc gia. Gần đây, biến thể phụ XBB.1.5 đang gây đợt bùng phát dịch mới ở Mỹ. WHO dự báo XBB và XBB.1.5 sẽ dần chiếm ưu thế so với các biến thể phụ của Omicron khác trong thời gian tới.