Sai lầm thường gặp của cha mẹ khiến con gái không thể 'dậy thì thành công'
Bác sĩ chuyên khoa 2 Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết gần đây rất nhiều bé gái tuổi dậy thì bị buồng trứng đa nang đến viện thăm khám. Trước đây, hội chứng thường xảy ra ở người lớn, là nguyên nhân gây vô sinh phổ biến với phụ nữ trẻ.
Đây là hiện tượng buồng trứng có rất nhiều nang nhỏ, các nang này không trưởng thành, không vỡ, trứng không rụng nên trẻ không có kinh nguyệt. Đây là bệnh chuyển hóa toàn thân nhưng lại thể hiện ở buồng trứng.
Dấu hiệu trẻ bị buồng trứng đa nang
Vô kinh, mất kinh, rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu đầu tiên, quan trọng nhất của buồng trứng đa nang. Thông thường, với trẻ đã có kinh nguyệt lần 1, sau 2 năm, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định.
Tuy nhiên, nếu sau 2 năm từ kỳ kinh đầu tiên, chu kỳ của trẻ không đều, mất kinh trong 4 tháng, cần được thăm khám ngay. Ngoài ra, khi thấy con đã dậy thì, ngực và hệ thống lông phát triển, mặt có trứng cá, nhưng một năm không có kinh nguyệt, cha mẹ cần đưa con đi khám sản phụ khoa.
Trẻ bị buồng trứng đa nang cũng có loạt triệu chứng khác do buồng trứng tăng tiết androgen - một loại nội tiết tố nam. Cụ thể là da nhờn, mọc nhiều mụn, sần sùi, tóc khô, dễ rụng mỏng dần, rậm lông. Tăng tiết androgen cũng khiến trẻ giữ nước, hay bị béo phì, thậm chí da nứt, rạn. Quan sát kỹ sẽ thấy trẻ có các mảng đen trên da, có khi tạo thành ngấn đen ở gáy.
Androgen và estrogen tiết nhiều làm trẻ bị rối loạn tâm sinh lý, trầm cảm, u uất, cáu giận, học hành lơ là, không tập trung.
Ba yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ mắc bệnh
Chế độ ăn uống quá nhiều ngọt là yếu tố nguy cơ đầu tiên được đề cập. Trẻ ăn quá nhiều đường khiến cơ thể phải tiết kháng insulin quá nhiều làm buồng trứng không hoạt động, không rụng trứng và càng tăng tiết androgen.
Lối sống gia đình, lười vận động: Dù là bệnh có tính chất gia đình ( mẹ, chị em gái bị buồng trứng đa nang thì các con, em cũng dễ bị). Tuy nhiên, bác sĩ Thủy cho rằng vấn đề này thường do lối sống hơn là di truyền.
"Nếu mẹ hay ăn đồ ngọt nhưng lười vận động, con cũng lười vận động, hay ăn đồ ngọt. Lười vận động khiến cơ thể kháng isulin càng nhiều, càng tích mỡ, béo phì là một trong những yếu tố chính gây buồng trứng đa nang", vị bác sĩ cho hay.
Thiếu vitamin D, không ra nắng là yếu tố nguy cơ đáng báo động. Loại vitamin này ảnh hưởng lớn đến hệ thống sinh sản, rụng trứng, tạo phôi. Những phụ nữ vô sinh có chỉ số vitamin D3 thấp. Kết quả xét nghiệm nhiều trẻ bị buồng trứng đa nang được bác sĩ Thủy khám cho thấy lượng vitamin D3 ở mức rất thấp.
Theo bác sĩ Thủy, Việt Nam là "vương quốc của nắng mặt trời" nhưng vì nhiều lý do nên một số gia đình thường "nhốt" trẻ trong nhà, không tiếp xúc ánh nắng. "Chúng tôi luôn nhắc các mẹ nên cho các con vận động ngoài trời, phải cho con ra ngoài sân, ra nắng, giữ con trong nhà là làm hại con", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Buồng trứng đa nang không gây chết người nhưng ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh sản, tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Thậm chí, tình trạng này cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư trong tương lai.
Trẻ bị buồng trứng đa nang có khả năng vô sinh cao khi trưởng thành. Khi có con, mẹ bị bệnh cũng tăng nguy cơ đái tháo đường, cao huyết áp, tiền sản giật. Ngòa ra, mẹ bị buồng trứng đa nang, con sinh ra có nguy cơ cao rối loạn tâm thần.
"Từ tuổi nhi đồng lên thanh thiếu niên là sự phát triển vượt bậc để trẻ hoàn thiện về chức năng tâm sinh lý. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm, trẻ bị buồng trứng đa nang mà không can thiệp kịp thời, trẻ không thể gọi là dậy thì thành công", bác sĩ Thủy chia sẻ.