Rửa rau sống thế nào cho đúng?
Gia đình tôi rất thích ăn rau sống nhưng cũng lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Chuyên gia có thể tư vấn cách sử dụng rau này thế nào cho sạch?
(Độc giả Lê Thị Hoài, Hà Nội)
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn:
Rau quả là nguồn cung cấp cho cơ thể các vitamin và muối khoáng để phòng chống các bệnh thiếu vi chất. Rau thơm khá đa dạng (xà lách, húng láng, mùi, kinh giới, hành tươi, ớt, tỏi... ) cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, A, E, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng.
Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín. Ngoài ra, các loại rau thơm còn cung cấp lượng kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng với bệnh tật.
Nhưng nếu rau sống không đảm bảo an toàn vệ sinh (trong khi canh tác sử dụng phân bón như phân tươi, phân chuồng chưa ủ kỹ, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy định...) lại là món ăn mang theo mầm bệnh cho người sử dụng.
Rau không đảm bảo vệ sinh khiến người ăn dễ bị viêm nhiễm đường tiêu hóa, nhiễm bệnh giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu cấp tính và mạn tính.
Để đảm bảo rau sạch cần sơ chế sạch, rồi rửa nhiều lần bằng nước sạch. Tốt nhất, chúng ta rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.
Việc ngâm rau sống vào dung dịch thuốc tím loãng (thường là dung dịch thuốc tím 1%) hoặc nước muối loãng đều không đảm bảo vệ sinh.
Qua một số thí nghiệm cho thấy trong môi trường thuốc tím, nước muối loãng thì không có tác dụng với trứng giun và một số vi khuẩn gây bệnh. Lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm đi không đáng kể nếu không rửa lại nhiều lần.
Như vậy, nên áp dụng cách rửa rau sống bằng nước sạch nhiều lần rồi vớt rau, vẩy ráo nước trước khi ăn.