Quý ông Việt thuộc nhóm sau cẩn thận suy giảm 'con giống'
Nghiên cứu “Mối liên quan giữa BMI (chỉ số cơ thể) và chất lượng tinh trùng của nam giới Việt Nam” vừa được nhóm tác giả báo cáo tại Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2022 của Hội Y học giới tính Việt Nam diễn ra ngày 18-19/11.
Theo đó, nghiên cứu này được nhóm tác giả tiến hành trên nam giới trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2021 với 1.144 trường hợp đến thăm khám và tư vấn tại Khoa Nam học và y học giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).
Trong số nam giới tham gia nghiên cứu, gần 19% người có chỉ số BMI trên 25 (béo phì); gần 5% ở mức gầy; số còn lại có BMI từ 18,5 đến dưới 25.
Tất cả đều được khai thác đầy đủ thông tin về bệnh sử, khám lâm sàng thường quy và được tư vấn làm xét nghiệm đánh giá các thông số tinh dịch đồ, sinh hóa máu và nồng độ nội tiết tố.
Nam giới trong nghiên cứu có độ tuổi từ 17 đến 60. Trước khi xét nghiệm, các trường hợp này đều thực hiện kiêng xuất tinh từ 3 - 5 ngày; được đo chiều cao, cân nặng cùng thời điểm làm xét nghiệm máu.
Các trường hợp nam giới vô sinh hoặc giảm chất lượng tinh trùng do nguyên nhân tắc nghẽn đường dẫn tinh; mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, như: Một số bệnh di truyền, teo tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh, u tinh hoàn, các bệnh ác tính hoặc đang điều trị hóa chất, xạ trị… không tham gia nghiên cứu.
Nghiên cứu ghi nhận mối tương quan nghịch chiều giữa chỉ BMI và tổng số tinh trùng, tỉ lệ tinh trùng sống và tỉ lệ tinh trùng di động tiến tới nhanh. Trong đó, thể tích tinh dịch ở nhóm có cân nặng bình thường đạt 3,37 ml. Với nhóm thừa cân, chỉ số này ở mức 3 ml.
Về tổng số lượng tinh trùng, số lượng tinh trùng của nhóm có cân nặng bình thường đạt 281,39 triệu, cao hơn đáng kể so với nhóm thừa cân có số lượng tinh trùng là 225,07 triệu.
Tỉ lệ tinh trùng di động và "chạy" nhanh hơn là 39,23% ở nam giới có cân nặng bình thường, trong khi ở người thừa cân, béo phì tỉ lệ này là 39,26%.
Tỉ lệ tinh trùng di động tiến tới chậm ở người có cân nặng bình thường là 10,5% và tăng lên ở người thừa cân béo, phì 10,57%. Cùng đó, tỉ lệ tinh trùng sống ở người có chỉ số cân nặng bình thường là 84,11% so với 83,62% ở nhóm người thừa cân béo phì.
TS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và y học giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), thành viên nhóm nghiên cứu cho hay kết quả của nghiên cứu cho thấy tình trạng thừa cân béo phì có liên quan với tình trạng giảm thể tích tinh dịch cũng như giảm tổng số tinh trùng ở nam giới Việt Nam.
Bên cạnh đó, tuổi cao ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các khía cạnh đánh giá chất lượng tinh trùng trên tinh dịch đồ: làm giảm thể tích tinh dịch, giảm tổng số lượng tinh trùng, giảm tỉ lệ tinh trùng hình thái bình thường, tỉ lệ tinh trùng sống và tỉ lệ tinh trùng di động tiến tới nhanh.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người thừa cân, béo phì vào khoảng 15%, ở thành thị con số này là 22% và có xu hướng tăng lên. Béo phì có thể ảnh hưởng tới tỉ lệ bị suy sinh dục nam giới và là nguy cơ tiềm tàng của vô sinh nam giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa BMI và nồng độ testosterone máu, nghĩa là nếu chỉ số khối BMI càng tăng thì nồng độ testosterone máu càng giảm và ngược lại.
Các nghiên cứu cho thấy lượng testosterone máu làm tăng nguy cơ gây vô sinh nam giới. Cùng đó, người béo phì thường bị giảm số lượng tinh trùng, tăng tình trạng rối loạn cương dương, giảm tỉ lệ tinh trùng di chuyển nhanh và tăng tỉ lệ vô sinh nam giới.