Phun hoá chất diện rộng phòng, chống sốt xuất huyết
CDC Tây Ninh phối hợp Trung tâm Y tế Thành phố phun hoá chất diệt muỗi diện rộng trên địa bàn phường Ninh Sơn.
Theo đó, các đơn vị phun hoá chất tại các khu phố của phường Ninh Sơn với khoảng hơn 23.000 hộ dân. Đây là những ấp có số ca mắc sốt xuất huyết cao, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 141 trường hợp mắc, trong đó chỉ trong 1 tuần cuối tháng 6 đã có 22 ca mắc.
Nguyên nhân dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết ở các khu phố tăng cao do ý thức của người dân về dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở chưa cao khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế Thành phố, đến nay Thành phố đã ghi nhận hơn 725 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 ca tử vong.
Theo báo cáo của CDC Tây Ninh, tính đến ngày 26.6.2022, toàn tỉnh ghi nhận hơn 4.245 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 2.25 lần so với cùng kỳ năm 2021 (1.306 ca), đặc biệt đã ghi nhận 5 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở 9/9 địa phương. Trong đó, địa phương có số ca tăng cao là thị xã Trảng Bàng (792); thành phố Tây Ninh (725) và huyện Dương Minh Châu (657).
Ngành Y tế khuyến cáo, để ngăn chặn và đẩy lùi dịch sốt xuất huyết, ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế và chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thì mỗi gia đình, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh bằng các biện pháp đơn giản như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hoá chất diệt lăng quăng vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi, vợt điện... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Khi có các dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, không nên tự ý điều trị ở nhà đến khi chuyển nặng mới đến cơ sở y tế thì nguy cơ tử vong rất cao.
Theo các chuyên gia, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm:
1. Chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo).
2. Nôn liên tục.
3. Đau bụng dữ dội.
4. Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.
5. Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.
6. Khó thở.
Đình Tiến