Phát hiện ung thư từ sự thay đổi bất thường của nốt ruồi ở mũi

Người phụ nữ 49 tuổi có nốt ruồi ở chóp mũi từ bé. Vài năm gần đây, nốt ruồi to hơn kèm chảy máu, dịch. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư, để lâu biến chứng nặng u có thể 'ăn' mất mũi.

Phát hiện ung thư da từ nốt ruồi

Kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới cho thấy chị bị ung thư tế bào đáy xâm nhập mô liên kết xơ. Bác sĩ cắt bỏ u hắc tố chóp mũi để loại trừ tế bào ung thư phát triển ra vùng xung quanh.

Trước khi phẫu thuật (trên), nốt ruồi của bệnh nhân thay đổi kích thước kèm chảy máu, dịch. Ảnh: BVCC

BSCKII Trần Linh Giang, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, cho biết ung thư từ nốt ruồi thường bắt đầu từ u kích thước nhỏ, không ngứa, không đau nên người dân ít để ý. Tuy nhiên, loại u này có thể gây viêm nhiễm, loét, hoại tử, phá hủy tổ chức tại chỗ.

"Trường hợp biến chứng nặng, u này có thể 'ăn' mất ngón tay, chân, miệng, mắt, mũi,... tùy vào vị trí khối u" - bác sĩ Giang cho biết.

Bệnh viện này cũng từng tiếp nhận nữ bệnh nhân lớn tuổi, đến bệnh viện trong tình trạng mệt mỏi, có khối u sùi vùng khóe mắt, sống mũi, má trái sưng to gây ngứa kích thước 6,5x4,55 cm.

Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 3 tháng trước, trên vùng mặt bà có mọc một nốt như nốt ruồi đường kính khoảng 0,5 cm, vùng má trái sưng dần. Bà được điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Vị trí có nốt mọc ngứa rất khó chịu nên người nhà mới đưa bà đi viện điều trị.

Kết quả xét nghiệm chẩn đoán bà bị ung thư da. Tình trạng khối u vùng mặt của bệnh nhân đã lan rộng ăn sâu sát xương nên buộc phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư da, chuyển vạt ghép da mặt.

Bác sĩ Giang phẫu thuật cắt bỏ u hắc tố chóp mũi cho bệnh nhân 49 tuổi. Ảnh: BVCC

Mùa đông cũng phải bôi kem chống nắng phòng ung thư da

Ung thư da gồm 4 loại:

- Ung thư biểu mô tế bào đáy hay gặp ở những vùng da hở.

- Ung thư biểu mô gai sừng hoá hay phát triển từ sẹo bỏng.

- Ung thư hắc tố thường khởi đầu từ một nốt ruồi lành, tàn nhang hoặc một đám sắc tố bẩm sinh (bớt).

- Các ung thư xuất phát từ các tuyến dưới da như ung thư biểu mô tuyến mồ hôi hay tuyến bã.

Trong số này, ung thư tế bào đáy (như trường hợp bệnh nhân 49 tuổi) là thường gặp nhất, chiếm khoảng 75%. Trong khi đó, ung thư hắc tố (chiếm khoảng 5%) là bệnh lý ác tính, nguy hiểm nhất vì nó xâm lấn sâu, tiến triển nhanh, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Theo Globocan, năm 2020, 193 người Việt Nam mắc ung thư hắc tố và 120 ca tử vong.

Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị ung thư da. Gần đây, Bệnh viện K cũng tiếp nhận không ít trường hợp ung thư hắc tố. Trong đó, nữ bệnh nhân 50 tuổi đã mổ u hắc tố gót chân phải cách đây 2 tháng tại bệnh viện địa phương. Gần đây, chị phát hiện nổi hạch bẹn phải nên tới Bệnh viện K khám. Kết quả, chị bị ung thư hắc tố di căn hạch bẹn.

Ung thư da có nhiều loại, giai đoạn đầu thường nhầm lẫn với các bệnh lý da khác. Cần cẩn trọng với các dấu hiệu như tổn thương da mới, có lan rộng, diễn biến lâu, không đáp ứng với điều trị thông thường. Nếu xuất hiện vết loét lâu lành, dễ tái phát cũng cần đề phòng BS Nguyễn Mạnh Tân, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Ung thư da thường xuất hiện sau 50 tuổi nhưng thực tế các bệnh viện tiếp nhận một số ca ung thư da khi mới ngoài 20. Về căn nguyên ung thư da, theo BS Nguyễn Mạnh Tân, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương, chủ yếu là tác động của tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời. Một số người có cơ địa liên quan gene hoặc có tổn thương da mà không điều trị đúng...

Cách phòng ung thư da tốt nhất là thường xuyên bảo vệ da khỏi những tác hại của ánh nắng mặt trời, đặc biệt là bôi kem chống nắng đúng cách, kể cả mùa đông, nhất là vùng da mặt. 

Ngoài ra, cần thăm khám ngay nếu phát hiện tổn thương trên da có nổi u, cục nhìn như "nốt ruồi"; hoặc xuất hiện các mảng màu da bất thường, có dấu hiệu lan ra, phát triển theo thời gian...