Phát hiện mắc bệnh nguy hiểm sau khi lên cơn đau đầu dữ dội

Đêm 27/1 (mùng 6 Tết), người đàn ông 35 tuổi bỗng thấy đau đầu dữ dội vùng gáy, tay chân anh bủn rủn, người vã mồ hôi phải đi cấp cứu.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), kết quả chụp cắt lớp (CT) mạch não cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch não. Kết quả này khiến cả gia đình anh bất ngờ vì trước đây anh chưa từng có dấu hiệu của bệnh. 

Cùng ngày, các bác sĩ còn tiếp nhận thêm 2 trường hợp mắc bệnh tương tự. Trong đó, một nam bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn. Theo các bác sĩ, những người này đều có bệnh nền tăng huyết áp nhưng không theo dõi thường xuyên. Họ chưa từng xuất hiện cơn đau đầu nào như thế.

Can thiệp nút mạch cho một trong ba bệnh nhân bị vỡ túi phình động mạch não. Ảnh: BVCC

Cả 3 bệnh nhân đều được các chuyên gia Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai và các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương can thiệp cấp cứu, nút tắc hoàn toàn túi phình.

Sáng 28/1, một trường hợp đang phải thở máy, riêng và hai người còn lại ổn định và được theo dõi điều trị hồi sức tại khoa Hồi sức cấp cứu.  

Đau đầu dữ dội - biểu hiện vỡ túi phình động mạch não

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, phình động mạch não là dị dạng mạch não rất hay gặp với tỷ lệ 3-5% dân số. Bệnh gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất là 40-60.

Phần lớn người mang phình động mạch não không có dấu hiệu lâm sàng nhưng bệnh rất nguy hiểm nếu vỡ túi phình động mạch hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh.

Khi bị vỡ phình mạch, máu chảy tràn trong não, người bệnh có biểu hiện như đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều. Trong khi đó, nếu khối phình động mạch não lớn dù không vỡ nhưng có thể chèn ép gây đau đầu, sụp mi mắt, mờ mắt hoặc mù…

Dù là bệnh phổ biến nhưng không phải tất cả bệnh nhân cũng được chẩn đoán. Hầu hết trường hợp phình động mạch não nhỏ thường được chẩn đoán tình cờ khi chụp não. Tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Việt Đức, hầu như tuần nào các bác sĩ cũng gặp bệnh nhân bị phình mạch, dị dạng mạch. Bên cạnh đó, không phải trường hợp nào mang túi phình này cũng cần can thiệp.

Khi chẩn đoán xác định người bệnh mang phình động mạch não chưa vỡ, bác sĩ sẽ đánh giá nhiều yếu tố để đưa ra khuyến cáo, tư vấn điều trị.

Điều trị, theo dõi ra sao với người có túi phình động mạch não chưa vỡ?

Phình động mạch não chưa vỡ được điều trị bằng phẫu thuật kẹp túi phình hoặc nút mạch, tỷ lệ thành công tương đương nhau.  

Nếu không điều trị, người bệnh mang túi phình động mạch não chưa vỡ sẽ khám định kỳ 6 tháng một lần trong những năm đầu tiên; khám định kỳ 12 tháng một lần trong những năm tiếp theo. Tùy theo đánh giá kích thước và hình thái túi phình, bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp.

Trong thời gian theo dõi khám định kỳ, người bệnh không hút thuốc, tránh huyết áp cao hoặc điều trị huyết áp, kiểm soát huyết áp, điều trị mỡ máu cao, tránh uống rượu, không uống thuốc ngừa thai.